Chuyên mục
Đặc sản Việt Nông sản ngon lành Thương vụ đầu tư

Rec Rec – Tham vọng làm snack từ dế của một startup Việt

Rót hơn tỷ đồng sản xuất snack dế và bán hơn 10.000 gói trong tháng đầu, Rec Rec ôm mộng phổ cập thực phẩm côn trùng đến người Việt nhưng không dễ.

“Snack (bim bim) luôn bị ‘mang tiếng’ không tốt cho sức khỏe, kém dinh dưỡng. Đây chính là cơ hội cho chúng tôi tạo ra nhánh mới là snack lành mạnh”, Nguyễn Hồng Ngọc Bích (Bicky Nguyen), Đồng sáng lập Rec Rec nói.

Thị trường snack ở Việt Nam có quy mô khoảng 5,81 tỷ USD, theo nền tảng dữ liệu trực tuyến Statista (Đức). Họ hy vọng sẽ được chia phần trong thị trường này nhờ những người thích ăn snack mà phải tốt cho sức khỏe. Thay vì làm bằng tinh bột, Ngọc Bích và những người cùng ý hướng góp tiền sản xuất snack từ thịt dế.

recrec Founder
Thay vì làm bằng tinh bột, Ngọc Bích và những người cùng ý hướng góp tiền sản xuất snack từ thịt dế.

Không phải “tay mơ” trong ngành dế nhưng tham vọng này của Bích vẫn không dễ thực hiện. Cô là Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh CricketOne – nhà sản xuất và xuất khẩu đạm dế bán buôn đến 20 thị trường. Ra đời từ 2017, công ty này là đơn vị thứ hai trên thế giới nhận chứng nhận thực phẩm mới từ Cao Ủy châu Âu, cho phép công ty bán sản phẩm trên toàn EU.

Danh tiếng ở nước ngoài nhưng tên tuổi công ty lại xa lạ với người Việt. Giai đoạn 2016-2018, họ tìm cơ hội thị trường nội địa nhưng không thành. Trở ngại lớn nhất là việc sử dụng côn trùng làm thức ăn không phổ biến. “Chúng tôi từng tiếp cận nhiều công ty thực phẩm để giới thiệu nhưng rất khó đón nhận”, cô nói.

Không từ bỏ ý định bán thịt dế cho người Việt, động lực trỗi dậy khi 2 năm qua, sản lượng xuất khẩu dế nguyên con để làm snack tăng mạnh ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tin đây là thời điểm thích hợp để hành động nhưng Bích không thể gõ cửa cầu may các công ty thực phẩm như trước. “Phải có hướng đi táo bạo hơn”, cô tự nhủ.

Tin đây là thời điểm thích hợp để hành động nhưng Bích không thể gõ cửa cầu may các công ty thực phẩm như trước. “Phải có hướng đi táo bạo hơn”, cô tự nhủ.

Vì vậy, họ quyết định tự sản xuất snack dế. Để phân phối, họ hợp tác với sàn thương mại điện tử chuyên về nông sản FoodMap từ tháng 9/2022. Hai bên thống nhất góp một tỷ đồng, tỷ lệ 50-50 để lập nên Rec Rec. Họ cũng đóng góp nhân sự giai đoạn 1 và 2 để làm trực tiếp cùng đội nhân sự độc lập của dự án.

Ban đầu, nhóm sáng lập định làm theo hướng hàng đặc sản. Nhưng sau khi tìm hiểu, họ chọn đánh thẳng vào thị trường snack phổ thông. “Chúng tôi chốt lại làm bài bản từ chuẩn chất lượng, bao bì, hương vị để có thể lên kệ siêu thị cùng các dòng snack hiện có”, Bích nói.

Bắt tay thực hiện, Bích kể, mới biết gian nan. Khó nhất là khâu nghiên cứu phát triển ra sản phẩm hoàn chỉnh, từ hương vị đến diện mạo. Để tìm ra phân khúc, các tình huống sản phẩm được sử dụng, chính sách giá và nhận diện, họ tiến hành nhiều đợt nghiên cứu thị trường với nhiều tập khách hàng và độ tuổi khác nhau.

recrec

Kết quả, họ nhận ra ăn vặt là một văn hóa chứ không phải đơn giản chỉ ăn để thỏa mãn cơn đói. “Mọi người có thể và muốn snack mọi lúc, không no hay no cũng snack, buồn hay vui cũng snack, một mình hay nhiều người cũng snack”, Bích kể.

Tuy nhiên, snack ở Việt Nam chủ yếu làm từ tinh bột như khoai tây, bột mì, bột gạo, bột bắp. Sự khác nhau giữa các thương hiệu chỉ xoay quanh việc thay đổi hình dáng, kết cấu và gia vị. Điểm yếu chung là hay bị gắn mác “nghèo dinh dưỡng”.

Dùng dế nguyên con và không dùng dầu thực vật, đội ngũ của Bích cho biết mỗi gói Rec Rec cung cấp 14-15 g đạm tương ứng với một khẩu phần đạm cho một người lớn mỗi bữa ăn, cùng với các vitamin, khoáng chất. Để dễ ăn, họ lắc dế qua 3 vị Wasabi, trứng muối và phô mai.

Snack được sản xuất tại nhà máy của CricketOne, tận dụng cơ sở vật chất và nguồn nguyên liệu sẵn có, công suất tối đa 100.000 túi mỗi tuần. Hiện mỗi tuần CricketOne sản xuất 45 tấn đầu vào mỗi tháng, đến tháng 7 sẽ tăng lên 150 tấn.

Chào sân vào tháng 2/2023, hơn 10.000 gói snack dế được tiêu thụ thông qua các kênh online và mạng xã hội. Hiện chúng còn có trên kệ các cửa hàng offline của Fine Life, BRG, Nam An và tìm đường vào Aeon, Kohnan, Circle K.

Đại diện FoodMap, anh Mai Thanh Thái, đánh giá đây là một sản phẩm mới nhưng được đón nhận đông đảo của người tiêu dùng trẻ, có tư duy cởi mở và lối sống hiện đại. “Điều này được thể hiện qua việc sản phẩm hiện được bán tốt các kênh cửa hàng tiện lợi, siêu thị và kênh online”, anh nói.

recrec FM

Một số nhà bán lẻ cũng bước đầu thấy hiệu ứng. Phía BRG cho biết rất kỳ vọng về sản phẩm đặc thù này với chất lượng bao bì đẹp, khiến người tiêu dùng tò mò.

Tuy nhiên, ngoài chinh phục những người tò mò thì để phổ biến đến số đông vẫn không đơn giản, do xa lạ việc ăn côn trùng. “Khách nội trợ còn sợ và chưa trải nghiệm nhiều”, đại diện chuỗi Finelife nói.

Theo các nhà bán lẻ, sản phẩm phù hợp người ăn “eat clean” (ăn ưu tiên thực vật, ngũ cốc, protein nạc), “keto” (ăn ít carbohydrate và nhiều chất béo tốt) hoặc cần bữa nhẹ khi tập luyện nhưng thương hiệu chưa được nhiều người biết. Ngay tại quầy hàng, kích cỡ bao bì cũng nhỏ hơn các hiệu snack khác nên khó thấy.

Snack dế sấy nguyên con được phủ lên một loại bánh ăn nhẹ để quảng bá. Ảnh nhân vật cung cấp

Snack dế sấy nguyên con được phủ lên một loại bánh ăn nhẹ để quảng bá.

Thăm dò phản ứng, Ngọc Bích nói 30% người tiêu dùng chào đón và sử dụng sản phẩm, 20% trung lập, và 50% từ chối sử dụng. “Với kết quả này, nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ nhóm 30%, ra mắt sản phẩm mới để chinh phục nhóm 20%, và nhóm 50% thì nên để thị trường dần chinh phục họ”, cô đưa đối sách.

Theo kế hoạch, trong 6 tháng tới, cô sẽ tung mẫu bao bì kích cỡ mới, thêm các hương vị như barbeque, chanh sả ớt, nguyên bản. Tiếp sau đó họ mới làm đến các loại snack từ bột đạm dế. Bản thân sản phẩm chào sân của startup là snack dế sấy nguyên con, mà Bích gọi là “hardcore” (khó) nhất. Vì vậy, nếu khách hàng đón nhận, những sản phẩm từ đạm dế sẽ có khả năng thắng trận cao hơn.

“Rec Rec nên có chương trình ăn thử, và tư vấn về sản phẩm nhấn mạnh các điểm đặc trưng để khách hàng dễ nắm bắt thông tin và tiếp cận sản phẩm nhanh hơn”, Đại diện BRG góp ý.

Statista dự báo thị trường snack tại Việt Nam sẽ tăng trưởng hàng năm 8,93% trong 5 năm tới, đạt quy mô 8,91 tỷ USD vào 2028. FoodMap lạc quan nhu cầu ăn uống lành mạnh ngày càng tăng, giúp tỷ lệ quay lại mua snack dế cao. “Tôi kỳ vọng chỉ tầm khoảng 4-5 năm nữa, việc tiêu thụ các sản phẩm từ dế hoặc các protein thay thế bền vững khác sẽ trở nên rất phổ biến”, Thanh Thái nói.

recrec FM A Tung
Phạm Ngọc Anh Tùng – Founder sàn thương mại điện tử chuyên về nông sản FoodMap – Nhà phân phối sản phẩm của Rec Rec

Đường chinh phục thị trường nội địa chỉ mới bắt đầu nhưng startup này chủ động đặt tầm nhìn quốc tế. Để thăm dò phản ứng, hồi tháng 3, họ gọi vốn cộng đồng 10.000 USD trên nền tảng Indiegogo của Mỹ. Vòng gọi vốn nhanh chóng kết thúc sau 3 ngày với tiền rót từ người dùng 5 quốc gia trong đó có Mỹ, Singapore, Australia.

Tương lai của mô hình snack dế ở Việt Nam vẫn còn khó đoán. Nhưng nhìn sang thị trường lân cận và đi trước như Thái Lan, thách thức cũng không nhỏ. Quốc gia Đông Nam Á này có hơn 20.000 trang trại dế, cung ứng hơn 700 tấn mỗi năm.

Cricket Lab, một công ty thực phẩm từ dế ở Chiang Mai đã tham gia thị trường từ 2018, chia sẻ trên Bangkok Post rằng giá cao và nhận thức cố thủ của của tiêu dùng vẫn là những thách thức chính để mở rộng thị trường.

“Mọi người mua những sản phẩm này vì chúng được làm từ dế, nhưng họ không muốn tưởng tượng những con côn trùng chạy loanh quanh trong tự nhiên”, Radek Husek, Giám đốc tiếp thị của Cricket Lab nói.

Theo ghi nhận của tạp chí FoodNavigator-Asia, Thái Lan cùng với Việt Nam được xem là hai thị trường quen với thức ăn côn trùng ở Đông Nam Á nhưng để côn trùng đứng vào nhóm thực phẩm chính cùng với thịt gia súc gia cầm thì sẽ là thách thức lớn. Đồng giám đốc công ty thực phẩm về dế Cric-Co Nuttathida Tantianon hiểu được điều này nên chọn cách làm snack từ đạm dế, thay vì bắt đầu với nguyên con như Rec Rec.

Nguồn bài viết: Vnexpress

 

Chuyên mục
Startup thế giới Thương vụ đầu tư

Thanh niên nghèo Indonesia xây dựng startup 1,4 tỷ USD

Efishery, được đồng sáng lập bởi một cư dân trong khu lao động nghèo ở Jakarta, đã trở thành kỳ lân hiếm hoi của Indonesia sau khi huy động thêm 200 triệu USD.

efish

Gibran Huzaifah, Giám đốc điều hành và là đồng sáng lập của startup Efishery, cho biết giá trị của công ty khởi nghiệp công nghệ nông nghiệp này đã đạt 1,4 tỷ USD sau vòng gọi vốn Series D do 42XFund dẫn dắt, gấp hơn ba lần định giá trước đó là 410 triệu USD năm 2022. Kumpulan Wang Persaraan – quỹ hưu trí nhà nước của Malaysia, ResponsAbility Investments AG và 500 Global cũng tham gia vào vòng này, cùng với những cổ đông hiện tại gồm Northstar Group, Temasek Holdings và SoftBank Group.

Công ty này hiện phục vụ 70.000 người nuôi cá và tôm ở Indonesia, đã vượt mốc định giá 1 tỷ đôla Mỹ trong một năm mà làn sóng sa thải nhân viên, CEO từ chức và định giá lao dốc, trở thành tâm điểm của lĩnh vực công nghệ. Các nền kinh tế chậm lại, lãi suất tăng và mức lạm phát cao hơn đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu trở nên thận trọng.

Huzaifah, 33 tuổi, lớn lên gần khu ổ chuột ở phía đông Jakarta, là con trai của một quản đốc công trường xây dựng và một người nội trợ. Mẹ anh, người chưa học hết cấp ba, đã thúc giục anh phải theo đuổi việc học. Và Huzaifah đã xuất sắc trong học tập, cuối cùng đăng ký vào Học viện công nghệ Bandung, một trường đại học tốt nhất ở Indonesia, chuyên ngành sinh học.

Nhưng khi Huzaifah vào đại học, tình hình tài chính của gia đình trở nên tồi tệ hơn sau khi cha anh mất việc. Ở một thành phố mới, không có tiền từ gia đình và người quen gửi lên, Huzaifah phải tìm nơi trú ẩn để ngủ hàng đêm, đôi khi là khuôn viên trường hoặc một nhà thờ Hồi giáo. Một lần, Huzaifah đã phải nhịn ăn trong ba ngày.

Gibran Huzaifah tại một trang trại cá ở Subang Regency, West Java, Indonesia. Ảnh: Bloomberg

Gibran Huzaifah tại một trang trại cá ở Subang Regency, West Java, Indonesia. Ảnh: Bloomberg

Trong một lần tình cờ, Huzaifah tham gia một lớp học về nuôi trồng thủy sản. Anh bị cuốn hút bởi những bài giảng của giáo sư về việc nuôi cá da trơn. Huzaifah tin chắc rằng thủy sản sẽ là tương lai của thực phẩm và quan trọng hơn là con đường thoát khỏi cảnh túng quẫn. Anh lập tức thuê một cái ao để nuôi cá da trơn. Ba năm sau (năm 2012), Huzaifah đã vận hành 76 ao cá.

Trong thời gian đó, Huzaifah đã trực tiếp trải nghiệm những thách thức của ngành, chẳng hạn như tỷ suất lợi nhuận rất thấp do chi phí thức ăn chiếm quá cao và giá cá thấp do những khâu trung gian. Với sự giúp đỡ từ một người bạn có kiến thức nền tảng về công nghệ, anh chế tạo một nguyên mẫu máy cho cá ăn tự động sử dụng công nghệ Internet-of-Things (IoT) để loại bỏ vấn đề cá ăn quá nhiều hoặc quá ít.

Sau đó, năm 2013, Huzaifah và bạn ra mắt eFishery. Cách tiếp cận của anh có hai hướng: làm điều gì đó bạn hiểu và không chạy theo đám đông.

Cách Jakarta ba giờ chạy xe về phía đông, đi qua những cánh đồng lúa và những túp lều bằng tôn, tiếng ồn ào của cuộc sống làng quê cứ vài phút lại bị gián đoạn bởi một hệ thống robot tự động phun ra hàng trăm viên thức ăn vào miệng những con cá đói đang chờ đợi trong một hồ bằng bê tông. Nó có thể không phải là Thung lũng Silicon, nhưng thiết bị này là chìa khóa cho sự mở rộng nhanh chóng của công ty khởi nghiệp eFishery, nhằm mục đích cách mạng hóa hoạt động kinh doanh nuôi trồng thủy sản hàng thế kỷ.

eFishery được xây dựng theo mô hình một startup về công nghệ nông nghiệp. Với một khoản phí hàng tháng, công ty cung cấp cho nông dân một máy phân phối thức ăn viên tự động dựa trên dữ liệu từ hàng nghìn người dùng. Khách hàng mua thức ăn và bán hàng với giá cao hơn thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh.

eFishery cũng bán cá với số lượng lớn cho những người mua nhiều. Kể từ đó, hoạt động kinh doanh của công ty đã phát triển, với hai phân khúc riêng biệt là dành cho người nuôi và dành cho người mua cá và tôm. Công ty này cũng làm việc với một số tổ chức tài chính để cung cấp tài chính cho người nông dân.

Là một trong số các nhà đầu tư đồng hành trong vòng gọi vốn, Temasek giúp eFishery mở rộng, bao gồm đề xuất các giám đốc điều hành tiềm năng và các đối tác quan trọng ở Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Mỗi năm, Huzaifah nói chuyện với Dilhan Pillay – Giám đốc điều hành của Temasek, bốn lần – đây là mức độ hỗ trợ cực kỳ cao cho một khoản đầu tư nhỏ như eFishery.

Sau vòng gọi vốn mới nhất, cổ phần của Huzaifah và người đồng sáng lập trị giá hơn 100 triệu USD mỗi người. Huzaifah cho biết cuộc sống của anh không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, anh vẫn “cảm giác thật tuyệt vì không cần phải lo lắng về những rắc rối tài chính đã trải qua khi lớn lên”.

Với khoản tiền gọi vốn mới, CEO Efishery cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng họ có kế hoạch sử dụng số tiền này để mở rộng hoạt động ở Indonesia và Ấn Độ trước khi theo đuổi đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ hoặc Indonesia trong hai năm.

“Chúng tôi muốn trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu trong vòng 5 năm tới và tiến hành IPO vào một thời điểm nào đó. Sớm nhất sẽ là năm 2025”, Huzaifah nói.

theo Bloomberg

Chuyên mục
AGRITECH Startup thế giới Thương vụ đầu tư

FoodMap – Ngôi sao sáng trong ngành thương mại điện tử nông sản Việt Nam

Chỉ sau hơn hai năm ra mắt, startup FoodMap Asia chuyên về thương mại điện tử nông sản được quỹ ngoại Wavemaker – Partner đầu tư đã ghi nhận phát triển với doanh số tăng gần 500% và tốc độ tăng trưởng nhân sự hơn 200% trong một năm.

 

FoodMap - Ngôi sao sáng trong ngành thương mại điện tử nông sản Việt Nam

 

FoodMap là nền tảng kết nối người nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp với người tiêu dùng với mô hình: Two sides – One Chain – One Platform. Với mục tiêu nâng cao giá trị Nông sản Việt Nam, FoodMap đã từng bước khẳng định vị thế dẫn đầu của mình trong ngành thương mại điện tử nông sản, đặc biệt trong mùa dịch Covid 19 năm nay.

Bạn có thể tóm tắt nhanh về quá trình hình thành, phát triển của FoodMap?

FoodMap thành lập 12.2018, ban đầu là website tập trung bán hàng nông sản Việt rồi  dần phát triển đến nay trở thành một hệ sinh thái đa dạng từ kênh bán hàng, cung cấp dịch vụ cho nhà sản xuất và truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp. Có thể nói hiện tại FoodMap là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử Nông sản và nhà cung cấp nông sản uy tín cho những đối tác lớn. FoodMap ra đời với xuất phát từ con số 0 tròn trĩnh : không vốn, văn phòng 20m2 đi mượn, website, công nợ hàng hoá được nhà cung hỗ trợ, tài sản quý giá nhất của FoodMap từ trước đến nay đó chính là niềm đam mê vô hạn các sản phẩm nông sản Việt và sự am hiểu sâu sắc thị trường nông nghiệp Việt Nam của các thành viên sáng lập.

FoodMap - Ngôi sao sáng trong ngành thương mại điện tử nông sản Việt Nam - Ảnh 1.

Điều gì theo bạn là thử thách nhất khi tham gia ngành nông nghiệp, đặc biệt  ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị chuỗi cung ứng nông nghiệp?

Nông nghiệp là một ngành rất đặc thù, truyền thống – đặc biệt là những quốc gia như Việt Nam. Dù có dùng bất cứ công nghệ gì ứng dụng vào nông nghiệp thì cũng cần xuất phát từ góc nhìn nhà sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng. Cho nên việc số hoá hay ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp cần làm từ từ, có nhiều giai đoạn và chỉ phù hợp với một vài mắc xích trong chuỗi cung ứng. Vừa cần có tư duy hiện đại, vừa phải am hiểu vận hành truyền thống ngành nông sản thì mới có thể ứng dụng nhuần nhuyễn được. Quan điểm của FoodMap để đi bền vững trong ngành này cần xây dựng chiến lược gần khách hàng và nhà cung cấp nhất có thể.

Trong đợt dịch lần thứ 4 này, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng, tuy nhiên Foodmap lại tăng trưởng mạnh. Bạn có thể chia sẻ thêm câu chuyện FoodMap được không?

Đối với FoodMap may mắn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và ngành nhu yếu phẩm, nông sản thiết yếu nên phạm vi ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên nhiều nguồn cung bị đứt gãy, việc gia tăng đột biến lượng đơn hàng gấp 20 lần bình thường mà vẫn đảm bảo được sự cung ứng hàng hóa chất lượng, an toàn trong mùa dịch mà không vỡ về vận hành là một thử rất thách lớn. Rất may mắn đội ngũ FoodMap đã có kinh nghiệm chinh chiến  nông sản online trong hơn hai năm qua cùng dự đoán tình hình sớm nên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ngoài việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp thì nghĩa vụ hỗ trợ cộng đồng, đảm bảo cung ứng hàng hóa giá hợp lý cho người tiêu dùng được FoodMap đặt lên hàng đầu. Lợi nhuận có thể quan trọng với một doanh nghiệp nhưng trong giai đoạn này điều đó là thứ yếu. Hỗ trợ cộng đồng trong những lúc khó khăn và để lại những giá trị tốt đẹp, bền vững cho xã hội mới chính là lý do FoodMap được sinh ra và là kim chỉ nam cho sự phát triển của FoodMap trong những giai đoạn sắp tới.

FoodMap - Ngôi sao sáng trong ngành thương mại điện tử nông sản Việt Nam - Ảnh 2.

Bạn có thể chia sẻ những dự định của FoodMap trong thời gian tới?

Trong năm 2021 vừa rồi, FoodMap đã xuất khẩu vài mặt hàng nông sản với giá trị cao đi Singapore, Malaysia và hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. FoodMap cũng đã đi cùng với nhiều đối tác lớn như Lazada, Tiki, Grab, Vietjet Cargo … , cục Thương Mại Điện Tử, Cục Xúc Tiến Thương Mại và các hiệp hội lớn nông nghiệp Việt nam như BSA, VIDA, VASEP,… để cùng chạy những dự án lớn và đồng hành tiêu thụ nông sản cùng bà con nông dân trên khắp Việt Nam. FoodMap cũng đã cho ra mắt nền tảng truy xuất nguồn gốc, kênh truyền thông về nông sản cũng như kênh bán sỉ B2B khá thành công. Như đã chia sẻ, FoodMap được sinh ra không chỉ phải là một kênh bán hàng cho nông sản Việt mà hơn thế chúng tôi muốn thay đổi một điều gì đó lớn lao hơn ngành Nông nghiệp của Việt Nam. Foodmap tin rằng nếu sản phẩm Việt được ủng hộ bởi người Việt thì đây là bệ phóng vững chắc nhất cho nông sản Việt tiến ra thế giới.

Để làm được điều đó, FoodMap cũng đang gấp rút  bổ sung nguồn lực và cũng đang trong giai đoạn mới của việc gọi vốn vòng pre Series A lần này. Hy vọng đây sẽ  là bước đệm cho sự tăng trưởng đột phá của FoodMap trong vòng 2 năm tới.

Nguồn tham khảo: https://cafebiz.vn/foodmap-ngoi-sao-sang-trong-nganh-thuong-mai-dien-tu-nong-san-viet-nam-20210719172941186.chn