Chuyên mục
Nông nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp: Robot sẽ thay nhà nông trên cánh đồng

Nói một cách dễ hiểu thì đó là các nhà máy thông minh với máy móc được kết nối và liên kết qua internet, tự vận hành toàn bộ quy trình sản xuất và cần rất ít đến sự xuất hiện của con người. Tại VN, khái niệm công nghiệp 4.0 cũng đang được nhắc đến như một cơ hội để nền kinh tế bứt phá.

Máy sẽ quyết định cuối cùng

Công nghiệp thế hệ 4.0 trong nông nghiệp được hiểu một cách nôm na là nhà nông có thể sử dụng máy vi tính để phân tích mùa vụ tới có thể trồng được cây gì, lượng nước tưới ra làm sao, cần bổ sung phân bón gì… Thậm chí biết được mùa vụ này thời tiết thay đổi không thể trồng loại cây đó bởi sẽ cho năng suất thấp. Nhà nông có thể nhờ vào máy tính, robot để thay mình quyết định tất cả và chính xác đến từng chi tiết nhỏ.

Theo Hội Nông dân VN, công nghệ tự động hóa sẽ thực hiện và giải được các bài toán dự báo về biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán…), dự báo thị trường, tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác một cách chính xác, điều hành cung cấp các loại vật tư vừa đủ cho cây trồng, xác định sức khỏe của vật nuôi.

Chuyên gia công nghệ Nguyễn Đăng Tiến, Phó chủ tịch Tập đoàn Diginet, nhận định công nghiệp thế hệ thứ 4 sẽ giúp ngành nông nghiệp có sự thay đổi phát triển lớn về lượng lẫn chất. “Mọi việc con người làm thì với công nghệ thứ 4, chính những robot hoàn toàn nắm phần chủ động, thay nhà nông trên cánh đồng. Với dữ liệu lớn, IoT giúp phân tích để đưa ra quyết định thay vì con người quyết định sau cùng như hiện nay”, ông Tiến nói.

Ví dụ một nhà nông muốn trồng rau, cây ăn quả trên mảnh đất của mình, thường qua kinh nghiệm bản thân, cha truyền con nối. Như vùng đất đỏ bazan thường được chọn trồng các cây công nghiệp như cao su, tiêu, điều…, vùng đồng bằng đất sét giàu phù sa thường để trồng lúa, cây ăn quả… tất cả đều từ kinh nghiệm và phỏng đoán là chính. Tuy nhiên, với công nghiệp số mới, mọi cái có thể thay đổi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn LogiGear (Mỹ), phân tích: “Chính công cụ IoT giúp đo được độ ẩm của đất, độ dinh dưỡng, tính chất… kết hợp nhiều dữ liệu khác, đưa ra quyết định vùng đất của ông A này xưa nay chỉ có trồng bưởi da xanh là không đúng mà chỉ thích hợp để trồng lúa nước. Quan trọng là công nghệ số cần một lượng dữ liệu lớn, từ đó, thay con người tổng hợp, phân tích và đưa ra kết luận nói trên. Hoặc chẳng hạn đất ở vùng quê tỉnh Long An xưa nay nhà nông chỉ có trồng dưa hấu, nhưng qua phân tích dữ liệu từ IoT, với độ ẩm vùng và ánh sáng ở đó, kết luận cho biết trồng dưa hấu là không thích hợp, chỉ có trồng rau thôi…”.

Nhà nông sẽ chỉ ngồi trước máy ?

Như vậy, người máy sẽ dần hiện diện nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp trực tiếp, thậm chí thay thế hoàn toàn con người. “Nhà nông lúc đó chỉ có thể là người quản lý đồng ruộng, quản lý chuồng trại, thay vì mất cả ngày làm việc trên cánh đồng hay trong trại chăn nuôi gà, heo. Hiện tại đã có một số quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ sản xuất ra người máy với giá thấp nhất chỉ hơn 100 USD, dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp”, ông Tiến thông tin. Ngoài ra, tại các trang trại chăn nuôi lớn, theo chuyên gia công nghệ, công nghệ số không chỉ giúp thu thập số lượng lớn dữ liệu từ các con chíp được gắn trên các cá thể vật nuôi để theo dõi mà giúp đưa ra các thông tin kiểm soát được thời điểm nào cho ăn, ăn lượng bao nhiêu để đạt hiệu quả cao nhất.

“Con người lúc đó có thể chỉ quản lý trang trại gà đó bằng việc ngồi trước chiếc máy vi tính để thao tác chứ không phải đi vào trong trại gà nữa”, ông Tiến dự báo.

Nguồn: thanhnien.vn

Chuyên mục
Nông nghiệp 4.0

Choáng ngợp trước quy mô “khủng” của nông trang Hà Lan

Là quốc gia ven biển, có nhiều con sông lớn, đất đai của Hà Lan màu mỡ, nhưng có hạn. Hà Lan có khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, bao gồm hơn 110 nghìn ha đất trồng hoa, quả, làm vườn, 12.200 ha trồng hoa và rau trong nhà kính với khoảng 135 nghìn người lao động làm việc thường xuyên (số liệu 2012).

Nông nghiệp Hà Lan áp dụng tự động hoá, rô bốt nhân tạo và cả sức người, hướng đến mục tiêu cuối cùng là tiêu dùng. Hà Lan là quốc gia xuất khẩu hạt giống hoa thứ 2 thế giới, xuất khẩu hoa nổi tiếng thế giới, được công nhận là quốc gia áp dụng tiêu chuẩn kiểm soát sinh học đặc biệt phát triển để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch nhất thế giới. Các doanh nghiệp hợp tác với các viện nghiên cứu và cả chính phủ để sản xuất liên tục bền vững.
Không chỉ là một ngành công nghiệp, nông nghiệp nhà kính còn là một khu vực dẫn đầu của nền kinh tế Hà Lan. Sự liên kết giữa doanh nghiệp, khoa học hiện đại đã tạo ra những khu nhà kính quy mô cực lớn, năng suất cao, không ngừng cho ra sản phẩm đến mức người chủ không còn thời gian để tính toán lợi nhuận mà chỉ có thể nhớ đã đầu tư bao nhiêu và thu về hơn thế bao nhiêu.

Xuất phát điểm từ năm 1960, và đã thành truyền thống tháng Tư hàng năm, các khu nhà kính Hà Lan mở cửa miễn phí thăm quan. Ngày này gọi là Komindeskas – “Thăm nhà kính”. Năm 2017, ngày 1/4-2/4/2017 là hai ngày duy nhất người Hà Lan có thể thăm các khu nhà kính nông nghiệp trên toàn quốc. Sẽ có hơn hai trăm khu trồng rau, hoa và cây thuộc 12 vùng của Hà Lan tham dự, dự kiến đón trên 200 nghìn lượt khách.
Vào ngày này, chủ vườn không chỉ mở cửa cho khách vào xem, mà còn thiết đãi khách trái cây, củ, quả tại vườn, chế biến thành các món ăn nhẹ, phục vụ thực khách, mà còn lập các khu trưng bài, góc vui chơi với các trò vui nhộn, thông minh, hấp dẫn. Trong ngày Komindekas, các khu nhà kính trở thành điểm thăm quan hấp dẫn, thu hút sự chú ý của trẻ em, thanh niên, người già và khách quốc tế về những điểm mạnh của nền nông nghiệp hiện đại.

Tuy không nói ra song Thăm nhà kính còn có mục đích quảng bá thương mại. Trong đoàn người nườm nượp xếp hàng vào khu nhà kính, có rất nhiều người nước ngoài. Ngay tại các khu thăm quan, người chỉ dẫn cho khách đều nói được tiếng Anh, còn nhiệt tình giải thích mọi câu hỏi nếu có. Khách quốc tế thì biết thêm được về sự ưu việt của cách làm vườn, làm nông tuy tưởng đơn giản mà rất tinh vi và hiện đại của Hà Lan.

Vườn hoa phong lan rộng mênh mông

Tại các khu nhà kính, chủ vườn hào phóng phô bày không chút dấu diếm tất cả sự kỳ diệu về công nghệ làm vườn trong nhà kính. Các doanh nghiệp đầu ra cũng được mời đến, trình diễn các mẫu hàng làm từ nông sản nhà kính: để quảng cáo hoa, các quầy tư nhân bày ra tranh vẽ lấy cảm hứng từ hoa, củ, quả, thời trang theo phong cách sắc màu rực rỡ; về quảng bá quả, các nhà hàng nấu tại chỗ các món ăn nhẹ; để giới thiệu các loại củ, đầu bếp chế biến sinh tố, trộn sa lát phục vụ ngay khách thăm….
Các khu nhà kính không chỉ thu hút trẻ em, khách lớn tuổi mà còn hấp dẫn cả thanh niên. Đây là khu vực tạo công ăn việc làm hấp dẫn, nhiều thanh niên Hà Lan đến đây để tìm cơ hội việc làm.

Khu Freesia

Các nông dân, chủ vườn và người làm công tự nguyên tham gia phục vụ hoạt động này tại khu nhà kính của mình. Khách tham quan được hỗ trợ xe bus con thoi đi lại tới khu vực tham quan, và có thể đi bộ, đi xe đạp để di chuyển giữa các khu nhà kính. Tại khu trưng bày cuối cùng, khách sẽ được mua các sản phẩm nông nghiệp với giá ưu đãi, đây chính là điều mà các thực khách và gia đình mong chờ sau cả chuyển tham quan.
Đơn cử tại 10 khu nhà kính vùng Westland, quê hương của Komindekas, cách thành phố La Hay gần 20 km, đơn vị tổ chức bố trí hàng chục xe bus đưa đón chở khách vào điểm thăm quan, tiếp đón chu đáo. 10 trang trại rộng lớn, được đánh số, chỉ dẫn rõ ràng chủ yếu là các khu nhà kính hoa và củ. Mỗi khu có gian trưng bày bên ngoài và bên trong là vườn canh tác.

Khu ớt chuông

Ngẫm lại Việt Nam quốc gia có lợi thế sản xuất rau, hoa, quả, với vùng Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi không khí trong lành, khí hậu bốn mùa rau hoa quả mùa nào thức đó, có Đà Lạt đang quy hoạch khoảng 362 nghìn ha đất nông nghiệp với độ cao trên 800m, sở hữu tiềm năng trồng rau, quả vô cùng lớn. Nếu được đầu tư thích đáng, Việt Nam hoàn toàn có thể là “Hà Lan” của khu vực châu Á về ngành hàng rau, hoa quả trong tương lai./.

Nguồn: vov.vn

Chuyên mục
Nông nghiệp 4.0

Cỗ máy làm nông biết trồng trọt và thu hoạch một cách tự động

Với cỗ máy làm nông tự động, giờ đây người nông dân không cần phải cực khổ gieo trồng, tưới nước, xịt thuốc nữa. Mọi công việc đã có máy móc lo.

Các kỹ sư đang làm việc với nhau để chế tạo ra cỗ máy tuyệt vời, gánh vác hết phần nặng nhọc nhất trong công việc trồng trọt của một nông dân. Giờ đây, những bác nông dân chỉ cần đem nông sản đi bán và thu tiền về.

Cỗ máy có hình dạng như một chiếc xe lớn với nhiều bánh xe, có thể tính toán chính xác và tiến hành hết các bước để trồng được một cây nông sản. Từ xới đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước, trừ sâu bệnh, rồi thu hoạch, phân loại thành phẩm.


Những cỗ máy làm nông sẽ đảm trách hết các công việc của một người nông dân trên cánh đồng. (Ảnh: Harper Adams University).

Theo tình hình chung hiện nay, có đến 60% nông sản bị bỏ đi một cách lãng phí vì nó còn xanh hoặc quá chín vào ngày thu hoạch chung trên cả cánh đồng. Cỗ máy này được sinh ra để khắc phục vấn đề đó, nó tính được chính xác ngày nào sẽ thu hoạch, đảm bảo cây trái chín đúng nhất khi hái.

Giáo sư Simon Blackmore, trưởng nhóm robot nông nghiệp tại Đại học Harper Adams ở Shropshire và là giám đốc ở Trung tâm Quốc gia về Canh tác, cho biết ông rất mong chờ được nhìn thấy cánh đồng được trông nom bởi những cỗ máy vào năm 2020.

“Chúng tôi đang nỗ lực để phát triển hệ thống cơ giới hóa nông nghiệp một cách hoàn chỉnh dựa trên những cỗ máy này. Những chiếc xe máy này có thể diệt cỏ bằng laser, tưới nước nhỏ giọt, phun thuốc trừ sâu đúng mục tiêu chứ không ảnh hưởng đến nông sản, thu hoạch có chọn lọc, phân loại sản phẩm vào từng nhóm và từng giai đoạn thu hoạch”, ông cho biết tại một cuộc họp báo ở Luân Đôn.

“Những nỗ lực này được bắt đầu nhằm giảm bớt khó khăn cho nền nông nghiệp cơ giới hóa một phần ở Anh Quốc hiện nay. Có khoảng từ 20 đến 60 phần trăm nông sản bị bỏ đi do thu hoạch không đúng thời điểm, gây nên sự lãng phí lớn nếu xét trên thời gian dài”.

“Người tiêu dùng khi mua rau củ ở siêu thị, họ sẽ có tâm lý chọn những bó rau hoặc quả củ tươi và đẹp nhất, những nông sản bị bỏ lại lâu ngày sẽ bị siêu thị tiêu hủy. Giờ đây, những xe robot này có thể tính toán được giờ thu hoạch và sẽ thu hoạch nhiều đợt để đảm bảo cây trái hái ra đều chín đều và tươi để được bán đi trong ngày”, ông cho biết thêm.

Công nghệ mới này được kỳ vọng sẽ cắt giảm lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp ở nước Anh và thay thế được lượng lao động rất lớn có thể bị giảm mất sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu.

Theo khampha

Chuyên mục
Làm bánh Nông nghiệp 4.0

Công nghệ bảo quản Nhật Bản: Giúp rau quả tươi 20 ngày

Công nghệ chiết xuất Polyphenol từ hạt của trái nho góp phần giúp kéo dài thời gian bảo quản rau quả vừa được Trường Đại học Tohoku (Nhật Bản) giới thiệu đến Việt Nam.

Giúp táo tươi 250 ngày

Được cho là ứng dụng công nghệ sinh học mới trong công tác bảo quản nông sản sau thu hoạch (STH), Giáo sư Jiro Kanto  của Trường Đại học Tohoku cho biết, polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, khử mùi nên sẽ giúp ức chế quá trình tự hoại bên trong rau quả. Bằng cách in, tẩm hoạt chất này vào màng vải, bọc nhựa PP hoặc thùng carton, polyphenol sẽ phát huy hiệu quả khi tiếp xúc trực tiếp thực phẩm hoặc bay hơi xung quanh môi trường bảo quản.

Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho biết, yếu tố quan trọng đặt ra đối với ngành nông nghiệp hiện nay để chống tổn thất sau thu hoạch là triển khai đồng bộ các giải pháp: Quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị từ khâu thu hái đến bảo quản. Trước mắt, cần xây dựng hệ thống kho dự trữ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để có chất lượng nông sản tốt nhất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, các thiết bị lưu chuyển nông sản trên thị trường cũng cần được tăng cường để bảo đảm chất lượng tốt sau một chặng đường dài vận chuyển.

Từ thử nghiệm và ứng dụng thực tế, công nghệ này giúp các loại thực phẩm như nấm, đậu, salat và các loại trái cây kéo dài thời gian tươi lâu từ 15 – 20 ngày. Thử nghiệm trên trái táo, polyphenol giúp thời gian bảo quản kéo dài 250 ngày, tỷ lệ hư hỏng 50%. Một số tác động sinh hóa thúc đẩy enzim còn giúp tăng lượng đường trong trái lê lên 1,5%. Cùng với các điều kiện đi kèm như phương thức canh tác, nhiệt độ bảo quản, ông Jiro Kanto cho biết các túi bảo quản này đã được các phi hành gia Nhật Bản sử dụng để lưu trữ thực phẩm trên các trạm vũ trụ.

Công nghệ này được thương mại hóa thông qua Công ty Okadaeco và Mikieco tại Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) này cũng khuyến cáo hiệu quả sử dụng tốt nhất là 1 lần, đúng kích cỡ bao và quy trình kỹ thuật bảo quản. Vì loại màng vải có giá thành cao nên sản phẩm bọc nhựa PP có in tiền chất polyphenol bên trong được rất nhiều DN, nông dân có mặt tại buổi giới thiệu tổ chức mới đây ở TP.HCM bày tỏ quan tâm.

Một DN kinh doanh mãng cầu ở Tây Ninh cho biết, giải pháp này rất tốt, nhưng phải tính toán lại về hiệu quả kinh tế. “Họ tính giá thành trên đơn vị từng bao đựng, chứ không phải tính theo kg. Phải có số lượng đơn hàng, chủng loại sản phẩm cụ thể họ mới báo giá được”.

Bà Nguyễn Bích Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ TP.HCM cho rằng công nghệ này góp thêm một giải pháp cho công tác bảo quản STH. “Tuy nhiên, đối với các DN xuất nhập khẩu thì phải kiểm nghiệm thêm vì thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan thường kéo dài. Nhiều DN trong nước xuất khẩu gạo đi Canada đã có thời hạn bảo quản và sử dụng 2 năm. Trong khi công nghệ này chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản trong 6 tháng, do đó phải tính toán kỹ mới áp dụng được”.

Khó triển khai vì quy mô sản xuất nhỏ

Thạc sĩ Vũ Thị Quyền (Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới) cho biết, công nghệ STH ở Việt Nam hiện nay chỉ ở mức dưới trung bình, dẫn đến nông phẩm không có thương hiệu, chủ yếu phải xuất khẩu ở dạng thô, khiến giá trị gia tăng thấp.

Tại Việt Nam, trung bình tổn thất STH đối với cây có hạt là 10%, đối với cây củ 10 – 20% và đối với rau quả là 10 – 30%. Năm 2015, tổn thất STH là khoảng 21 triệu tấn trên tổng lượng rau quả. Nguyên nhân do khâu đóng gói lưu kho, nấm mốc ký sinh trùng, dịch bệnh do môi trường khí hậu, quá trình xử lý STH chưa được chú trọng. Vì vậy các công nghệ bảo quản các loại rau  quả, củ… là vô cùng quan trọng, giúp giảm được hiện tượng “mất mùa trong nhà”, giảm tổn thất về số lượng và chất lượng, góp phần duy trì chất lượng nông sản.

Ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học- Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật (Bộ Khoa học- Công nghệ) chia sẻ: “Hiện đã có một số hoạt động nghiên cứu công nghệ STH trong bảo quản lúa gạo, chế biến nông sản. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khi triển khai ra ngoài thực tiễn với điều kiện canh tác theo quy mô nhỏ, thiếu quy hoạch như hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ khá khó khăn”. Thực tế, đã có một số nơi đang áp dụng những công nghệ bảo quản nông sản như: Công nghệ chiếu xạ, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ…

Tuy nhiên, những công nghệ hiện đại này mới chỉ là số ít và thực hiện lẻ tẻ tại một số địa phương. Các sản phẩm nông sản chủ lực sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được người dân xuất bán ngay, số còn lại chủ yếu vẫn được bảo quản sơ sài theo phương pháp truyền thống như thu hoạch xong đóng bao bán ngay hay phơi khô đựng vào bao chứa trong nhà…

Nguồn: Dân Việt

Chuyên mục
Nông nghiệp 4.0

Dự án trồng rau trong container giữa lòng New York của em trai Elon Musk

Kimbal Musk, em trai tỷ phú lừng danh Elon Musk, đang phát triển một nông trang bằng những chiếc thùng container giữa lòng thành phố New York, Mỹ với tham vọng thay đổi phương thức ăn uống truyền thống.

Gọi mô hình mình đang theo đuổi là cuộc cách mạng thực phẩm”, Kimbal Musk đang nỗ lực làm thay đổi phương thức sử dụng đồ ăn của mọi người. Quản lý 2 chuỗi nhà hàng, Kimbal Musk luôn sử dụng thực phẩm được chế biến theo hương vị truyền thống để phục vụ khách hàng. Từ năm 2011, chương trình phi lợi nhuận của ông đã lắp đặt Những khu vườn học tập ở hơn 300 trường học nhằm dạy trẻ em về nông nghiệp.

Đầu tháng 10 năm ngoái, Kimbal Musk và cộng sự ra mắt Square Roots, một nông trang nằm giữa Brooklyn, New York. Sử dụng 10 chiếc container, Kimbal Musk và đồng nghiệp tạo ra nông trang giữa lòng thành phố sầm uất.

Trên bốn bức tường song song bên trong một chiếc container là cây xanh đang nảy mầm. Nguồn nước đầy đủ dinh dưỡng và những chiếc đèn màu xanh lam và hồng đảm bảo cho cây cối phát triển.

Cây cối được canh tác theo phương thức này phát triển bình thường so với phương pháp canh tác truyền thống.

Kimbal Musk và đồng nghiệp cũng đang chuyển giao công nghệ canh tác cho những người muốn phát triển kinh doanh theo phương pháp này, bao gồm cả những người chưa từng một lần tiếp xúc với công việc đồng áng.

Trung bình, mỗi ngày nông trang này dùng khoảng 30 lít nước để trồng cây, thấp hơn nhiều so với lượng nước sử dụng của một gia đình.

Nước, nhiệt độ và cả lượng oxy trong nông trang đều được kiểm soát, giúp đảm bảo chất lượng rau khi thu hoạch.

Rau thành phẩm được đóng gói trước khi chuyển tới các điểm phân phối phục vụ người tiêu dùng.

Các nhà sáng lập kỳ vọng Square Roots sẽ được triển khai ở 20 thành phố trong giai đoạn từ nay tới năm 2020.

Sau khi kỷ nguyên công nghệ bùng nổ những năm 1990, anh em là Musk chuyển từ Nam Phi tới Thung lũng Silicon. Họ sáng lập X.com, dự án sau này được hợp nhất với PayPal trước khi được eBay mua lại. Trồng rau chỉ là một trong số hàng loạt dự án mà Kimbal Musk theo đuổi.

Theo Trí Thức Trẻ

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Hà Lan nổi tiếng với một nền nông nghiệp công nghệ siêu cao

Chính phủ Hà Lan mới đầu tư 2 triệu euro để mua số liệu vệ tinh thu thập nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả và tính bền vững cao.

Chính phủ Hà Lan mới đầu tư 2 triệu euro để mua số liệu do vệ tinh quay quanh quỹ đạo trái đất thu thập nhằm làm cơ sở đưa ra các giải pháp cải thiện tính bền vững và hiệu quả trong trồng trọt, thúc đẩy áp dụng công nghệ nông nghiệp chính xác.

Giám sát cây trồng bằng dữ liệu vệ tinh

Theo một số chuyên gia, canh tác chính xác ở châu Âu đã bắt đầu cách đây khoảng 20 năm. Canh tác kỹ thuật số (hay canh tác chính xác) về cơ bản là việc sử dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp để tối ưu hóa nhằm đạt hiệu quả cao.

Nghị viện châu Âu đã định nghĩa nông nghiệp chính xác là “một phương pháp quản lý nông nghiệp dựa trên việc quan sát, đo lường và ứng phó sự biến đổi giữa các cánh đồng và cây trồng hay trong việc chăm sóc vật nuôi”.

Phương pháp này nhằm tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào cũng như tác động môi trường của việc nuôi – trồng. Nó bao gồm các công nghệ dựa trên dữ liệu, kể cả các hệ thống định vị vệ tinh như GPS, viễn thám… và internet trong quản lý cây trồng và giảm thiểu việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và nước

Người nông dân thời đại canh tác chính xác có thể sử dụng ít nhất các hoá chất (thuốc trừ sâu, phân bón), góp phần bảo vệ đất và nước ngầm trong khi tăng hiệu quả sản xuất; chất lượng sản phẩm được nâng cao nhưng tiêu thụ năng lượng giảm đáng kể.

Các ứng dụng của nông nghiệp chính xác bao gồm các hệ thống hướng dẫn tự động và công nghệ đánh giá sự thay đổi, cho phép áp dụng trong các khâu làm đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước, diệt cỏ và trừ sâu, thu hoạch và chăn nuôi một cách chuẩn nhất.

Sở dĩ Hà Lan mua dữ liệu vệ tinh phục vụ làm nông nghiệp do được sử dụng các cảm biến chuyên dụng từ xa, vệ tinh sẽ ghi lại các dữ liệu về chất lượng đất, độ ẩm, không khí và áp suất khí quyển để phân tích sự thay đổi của cây trồng và chất lượng nước. Các dữ liệu đó sẽ được các công ty có chuyên môn phân tích, công bố trên internet, nhằm tư vấn cho nông dân về tưới tiêu, bón phân, thụ phấn và dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Hơn nữa, dữ liệu vệ tinh cho phép nông dân giám sát chặt chẽ sự phát triển của cây trồng, sự xâm hại của sâu bọ và các mối đe dọa đối với mùa màng để có hành động can thiệp chính xác ở những nơi và thời điểm cần thiết. Phương pháp canh tác thông minh này giúp nông dân Hà Lan tiết kiệm đáng kể nhiên liệu, hạt giống, phân bón nhân tạo, thuốc bảo vệ thực vật và nước, đem lại hiệu quả và tính bền vững cao.

Đầu tư cao, sản xuất nhiều

Thực tế ở Hà Lan, do đất ít, điều kiện ánh sáng, nhiệt độ có hạn chế, nên giá thành sản xuất lương thực – thực phẩm cao, chất lượng sản phẩm cũng không tốt. Sản xuất nông nghiệp vì vậy đã chuyển hướng sang trồng rau, hoa, cây cảnh hoặc chăn nuôi, hoặc thông qua mở rộng quy mô sản xuất để tăng hiệu quả, hoặc chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ…

Người Hà Lan tự tìm tòi khám phá lợi thế của một nước nhỏ, nghèo tài nguyên thiên nhiên, biết tranh thủ nguồn lực từ tài nguyên và thị trường thế giới để không ngừng đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng tối ưu hoá, tạo ra những thành công về nông nghiệp. Nhà nước coi trọng nhiệm vụ cải tạo đất, đầu tư bình quân trên 4.000 euro/ha năm; nhà nước còn tài trợ chỉnh lý đất đai, biến các thửa ruộng nhỏ liên kết thành thửa lớn liền nhau, xây dựng hệ thống kênh rạch, đảm bảo yêu cầu cơ giới hoá…

Đặc biệt, vì thiếu đất canh tác, Hà Lan thực thi chiến lược “đầu tư cao – sản xuất nhiều” – một đặc trưng nổi bật của nền nông nghiệp Hà Lan. Nhờ đó, Hà Lan có kết cấu hạ tầng nông nghiệp rất tốt. Tốc độ phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp Hà Lan cũng được xếp vào tốp những nước hàng đầu thế giới, đặc biệt là thành tựu tạo giống và nhà kính, với phương thức đầu tư tập trung vốn và chất xám, theo phương châm đầu tư cao, thu nhập cao, hiệu suất cao.

Với quỹ đất ít, Hà Lan áp dụng công nghệ “tăng diện tích đất”, tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích, tạo ra năng suất cao gấp nhiều lần so với năng suất bình quân của thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê Hà Lan, năm 2016, xuất khẩu nông sản thực phẩm Hà Lan đạt gần 94 tỷ euro (so với 90 tỷ năm 2015), trong đó, các sản phẩm nông nghiệp chiếm 85 tỷ euro (tương đương 22% tổng kim nghạch xuất khẩu); nguyên liệu nông nghiệp, tri thức và công nghệ chiếm 9 tỷ – một kỷ lục mới. Doanh số xuất khẩu vật liệu nhà kính tăng nhiều nhất (370 triệu euro).

Được biết, có trên 10 sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan xuất khẩu đứng thứ nhất và thứ hai thế giới như: hoa tươi, cà chua, khoai tây, hành tây, trứng gà, pho mát, sữa đặc, bia đại mạch, bánh ca cao, dầu ca cao, thịt lợn, sô-cô-la và thuốc lá.

Điều đáng nói, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Lan năm 2016 chỉ đứng sau Mỹ, nhưng hiệu quả và tính cạnh tranh lại cao nhất thế giới. Hiệu suất lao động tuy thấp hơn Mỹ một chút, nhưng hiệu suất đất thì cao hơn hẳn mọi nước trên thế giới.

Nền nông nghiệp phát triển như vậy nhưng tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 1,6 % GDP và chỉ chưa đến 1,5 % dân số Hà Lan (số liệu 2016) tham gia sản xuất để làm nên kỳ tích được ngưỡng mộ như vậy.

Một chi tiết đáng chú ý là nhu cầu về vật liệu nông nghiệp của Hà Lan, đổi mới và công nghệ chính xác ngày càng tăng, ví dụ như nhà kính tiết kiệm năng lượng, các hệ thống nông nghiệp chính xác (thông qua GPS và thiết bị bay không người lái) và những phát minh mới làm cho cây trồng có khả năng chống lại các tác động của biến đổi khí hậu và bệnh tật…

Sự phát triển liên tục này phù hợp với chiến lược của Hà Lan về xuất khẩu – củng cố vị trí hàng đầu của nước này trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thông qua xuất khẩu kiến thức và đổi mới, ngoài các nông sản truyền thống – một lĩnh vực mà Hà Lan là một trong những nước đứng đầu thế giới./.

Hà Lan đang xây dựng Khu Thử nghiệm Quốc gia về canh tác chính xác – nơi những phát minh, các giống mới và công nghệ mới nhất sẽ được thử nghiệm trong điều kiện thực tiễn và tiếp tục phát triển trước khi chào hàng đến nhà nông.

Bộ Kinh tế Hà Lan đã đầu tư hơn 2 triệu euro cho giai đoạn đầu 4 năm của dự án này nhằm đảm bảo nông nghiệp Hà Lan có thể sản xuất một cách bền vững hơn và hiệu quả hơn, tiếp tục duy trì được vai trò tiên phong của mình. Ngành công nghiệp sẽ rót thêm 8 triệu euro trong vòng 4 năm tới.

Trước đó, Bộ kinh tế Hà Lan đã thông báo đầu tư 16,5 triệu euro cho dự án “HighTech 2 Feed the World” nhằm thúc đẩy đổi mới, như áp dụng các công nghệ từ lĩnh vực y khoa hoặc thăm dò không gian trong nông nghiệp.

Bộ này cũng đã cung cấp gần 12 triệu Euro cho hai quỹ đầu tư mới giúp những người khởi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp – trồng trọt – thực phẩm – công nghệ, tạo cơ hội thành công cho những người khởi đầu đang hoạt động tại giao lộ giữa nông nghiệp và công nghệ.

Ngoài ra, có 500.000 euro khác dành cho dự án ‘tăng tốc khởi động’, để các công ty có kinh nghiệm hỗ trợ người mới khởi nghiệp trong việc áp dụng các công nghệ mới.

Nguồn: vov.vn

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Một nông dân Australia chế tạo thành công robot nhổ cỏ

Một nông dân Australia vừa thông báo đã chế tạo được một loại robot có khả năng nhổ cỏ, hứa hẹn đem lại cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp trên khắp thế giới.

Nông dân Andrew Bate, người chế tạo loại robot nhổ cỏ này, cho biết robot của ông rất đơn giản và khá nhỏ, không giống những cỗ máy lớn tốn kém hàng trăm nghìn USD.

Dự kiến, loại robot này sẽ được chế tạo hàng loạt để tung ra thị trường vào cuối năm nay.

Loại robot nhổ cỏ này vừa được đưa ra giới thiệu tại một hội thảo về người máy trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra ở Đại học Sydney.

Cũng tại hội thảo này, tiến sỹ Robert Fitch, thuộc Trung tâm phát triển Robot (ACFR) của Australia cho biết ông cũng đang nghiên cứu chế tạo một robot diệt cỏ dại với kích cỡ nhỏ nhưng nhanh nhẹn, có thể di chuyển chậm, đứng lại và nhổ cỏ mà không làm đất bị nén chặt.

Theo tiến sỹ Robert, sử dụng robot là một mô hình mới trong canh tác nông nghiệp, nhờ đó người nông dân có thể giảm bớt sức lao động, trong khi lại tăng tối đa năng suất nông nghiệp.

Nguồn: khoahoc.tv

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Một nông dân chế tạo thành công máy thu hoạch mía

Ông Đoàn Quang Phong (63 tuổi) là nông dân ở thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã “chế tạo” thành công chiếc máy thu hoạch cây mía trên nền chiếc máy cày KUBOTA 1500.

Chiếc máy này hoạt động được trên tất cả địa hình đồng ruộng, vừa chặt, bóc lá, bẻ đọt, mỗi giờ cho ra thành phẩm 10 tấn mía cây ( tăng gấp 10 lần so lao động thủ công). Sau khi máy thu hoạch, người lao động chỉ việc thu gom, bốc xếp lên xe để vận chuyển cung cấp cho nhà máy chế biến đường.

Xã Quảng Sơn là một trong những vùng nguyên liệu mía của tỉnh, hàng năm tới vụ thu hoạch thường thiếu công lao động; hơn nữa việc thu hoạch mía bằng phương pháp thủ công, vất vả nhưng năng suất thấp, không kịp thời vụ, dẫn đến tình trạng mía khô, mía cháy.

Từ thực tế của gia đình, ông Đoàn Quang Phong suy nghĩ tìm cách đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch mía để giảm sức người, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất mía tại địa phương. Bản thân là nông dân, ông Đoàn Quang Phong không có tay nghề cơ khí; không có tiền mua vật liệu, gia công chế tạo máy; gia đình ông ban đầu cũng không tin vào việc làm của ông sẽ đạt hiệu quả.

Với niềm đam mê của mình, ông tự nghiên cứu tài liệu, vận động, thuyết phục vợ con, cuối cùng cả gia đình đồng tình cho ông “chế tạo máy cắt mía”.

Từ nguồn kinh phí của các con hỗ trợ, nhất là sự cộng tác đắc lực của con trai là Đoàn Quang Thái (vừa mới tốt nghiệp khoa Cơ khí, chuyên ngành Chế tạo máy, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh), sau nhiều lần miệt mài thiết kế, chế tạo, thử nghiệm thực tế không thành công phải làm lại nhiều lần, cuối cùng ông cũng cho ra đời chiếc máy đưa vào thu hoạch mía đạt hiệu quả.

Ông rất mong các ngành quan tâm công nhận bản quyền sáng chế và xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất nhiều máy cắt mía đạt chất lượng cao, chi phí thấp, phục vụ tốt việc thu hoạch mía.

Nguồn: khoahoc.tv

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Nhà máy trồng rau: Không cần mặt trời, tiết kiệm 95% nước, năng suất cao

So với các trang trại vận hành theo lối cũ phải phụ thuộc vào đất trồng và ánh nắng mặt trời, các trang trại công nghệ cao cho sản lượng gấp 100 lần mà chỉ sử dụng 5% lượng nước thông thường.

Trồng trọt, ngay cả ở dạng hiện đại hay siêu công nghiệp, vẫn đang dựa vào công nghệ khá cũ kỹ: vận dụng ánh nắng mặt trời, đất, mùa màng, và máy kéo.

Với tiêu chuẩn của những các kỹ sư công nghệ, những người đã quen với các trang trại chạy bằng dữ liệu máy tính 24/7, thì lối canh tác trên vô cùng lộn xộn và kém hiệu quả.

Cũng không quá ngạc nhiên khi các trang trại công nghệ này lại trông giống một trung tâm dữ liệu của Amazon hơn là một vườn táo hữu cơ. Một làn sóng các doanh nghiệp đang vội vã tìm cách trồng khối lượng lớn thực phẩm trong các nhà kho khổng lồ, sử dụng đèn LED thay vì ánh nắng mặt trời và xếp chồng lên nhau các kệ chứa dung dịch dinh dưỡng thay vì chứa đất.

Mô hình nông nghiệp đô thị đặc biệt này tập trung vào hệ thống máy tính để theo dõi hàng ngàn điểm dữ liệu và liên tục điều chỉnh các điều kiện cho cây cối sinh trưởng. Marc Oshima, đồng sáng lập của AeroFarms, một trong những trang trại thẳng đứng lớn nhất thế giới, cho biết công ty này sử dụng “các thuật toán phát triển sâu rộng, trong đó chúng tôi phân tích mọi khía cạnh từ loại và cường độ ánh sáng tới các chất dinh dưỡng, đến các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, mức CO2, và chúng tôi tạo ra công thức hoàn hảo cho mỗi loại rau”.

Trái với các doanh nghiệp nông nghiệp truyền thống luôn thiết kế cây trồng của họ để phù hợp với môi trường canh tác – ví dụ như nâng cao sức kháng nấm mốc của cây – thì các công ty này lại điều chỉnh môi trường cho phù hợp với giống cây trồng.

Thiết lập một trang trại như vậy không hề rẻ. AeroFarms tại New Jersey đã thu được hơn 50 triệu USD và cho biết còn có thể sản xuất 2 triệu pound (hơn 900 tấn) thức ăn mỗi năm trong “các tháp phát triển” tại cơ sở rộng 21.000m vuông ở Newark. Công ty Gotham Greens đã đầu tư 8 triệu đô la để xây dựng một trang trại trên mái nhà ở khu phố Pullman, Chicago. Vào tháng Hai, một startup tên Bowery Farming tại New Jersey đã thu hút được 7,5 triệu USD vốn đầu tư, bắt đầu bán rau “nhà trồng được” tại siêu thị Whole Foods và một vài nhà hàng trong khu vực.

Những trang trại công nghệ cao thường được phát triển bởi các doanh nhân có nền tảng về tài chính và các doanh nghiệp phi nông nghiệp khác, “chắc chắn tốn kém hơn nhiều, nhưng chi phí sẽ được cân bằng bởi năng suất cao hơn”, ông Irving Fain, CEO của Bowery cho biết. Bowery ước tính mỗi 30cm vuông thì cơ sở của mình có năng suất gấp 100 lần so với một trang trại điển hình.

Fain nói hệ điều hành của Bowery tự động giám sát “hàng trăm nghìn điểm dữ liệu về sức khoẻ, chất lượng, sự tăng trưởng, năng suất, mùi vị và hương vị của cây trồng”.Bowery cũng được thiết kế để “tự động hóa các quy trình được thâm canh bằng tay” để “trang trại tự động chạy”. Cũng do môi trường được kiểm soát chặt chẽ và không có mùa màng, nên có nhiều chu kỳ thu hoạch hơn – AeroFarms có đến 30 vụ thu hoạch mỗi năm.

Cho đến nay, các trang trại trong nhà cần nhiều vốn này đã tập trung vào việc trồng các loại rau hợp thời, có thể bán cho những người thích ăn salad trong khu vực – như cải xoăn kale, xà lách, xà lách rocket và húng quế. Một hộp rau AeroFarms có giá 3,99 USD, của Bowery Farming là 3,49 USD, đắt hơn nhiều so với loại thường. Và đó là thách thức chính mà các startup này phải đối mặt: không thể có sản phẩm giá rẻ tại siêu thị.

Mặc dù hiện nay vẫn còn là một sản phẩm khá đắt đỏ, nhưng các công ty đang ấp ủ những kế hoạch lớn hơn. “Khi đã mở rộng quy mô, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục giảm chi phí và cung cấp sản phẩm chất lượng cao nhất với mức giá mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận”, ông Fain nói.

Còn ông Oshima cho biết AeroFarms đang xem xét các loại cây trồng khác như: dâu, ớt, và dưa chuột. “Chúng tôi tập trung vào việc tìm cách biến đổi nông nghiệp trên toàn thế giới”, ông nói.

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Nông dân trẻ chế tạo máy nông nghiệp đa năng

Nông dân trẻ Tạ Đình Huy (SN 1982) chế tạo máy nông nghiệp tích hợp 12 công năng, tiện ích, nhận được hơn 1.000 đơn hàng khắp cả nước.

Rẽ ngang

Sinh ra và lớn lên ở xã Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội), học xong phổ thông, Huy không thi đại học mà quyết định học sửa chữa xe máy rồi mở cửa hàng sửa xe đông khách. Dù công việc ổn định nhưng Huy luôn canh cánh trong lòng về nông dân ở quê lao động chân tay vất vả nhưng năng suất lao động thấp.

Năm 2005, Huy bắt tay nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp đa năng. Sau thời gian tìm hiểu qua mạng, xem kỹ các mô hình, trực tiếp ra cánh đồng xem bà con lao động, Huy lên ý tưởng, vẽ mô hình máy phù hợp. Qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh đã chế tạo thành công chiếc máy có công dụng làm đất, rồi nâng thêm 2 công năng: phun thuốc, bơm nước. Tuy nhiên, chiếc máy đầu tiên vẫn sơ sài, cồng kềnh, hiệu quả thấp, chỉ hoạt động trên mô hình đồng bằng. Năm 2010, Huy quyết định bỏ hẳn nghề sửa chữa xe máy trong lúc đang ăn nên làm ra để lặn lội đến nhiều tỉnh thành tìm hiểu đặc điểm địa hình, lao động của nông dân.

Năm 2014, Huy cho ra mắt chiếc máy nông nghiệp gồm 8 chức năng hoàn chỉnh có thể cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, bơm nước tưới tiêu. “Lúc thử nghiệm thành công, mình vỡ òa trong hạnh phúc, rưng rưng nước mắt. Chiếc máy đã hỗ trợ được phần lớn việc nặng nhọc cho bà con nông dân”, anh nói.

Đăng ký bản quyền, công bố sáng chế máy nông nghiệp “8 trong 1”, anh Huy nổi tiếng cả nước. Sáng chế được đánh giá ưu việt về kỹ thuật và kinh tế. Giá thành một chiếc máy chỉ từ vài triệu đến 13 triệu đồng (tùy vào số lượng công năng), nhưng có năng suất lao động gấp hơn 5 lần sức trâu, hơn 10 lần sức người.

Máy “12 trong 1”

Không bằng lòng với những thành công đạt được, anh Huy tiếp tục đầu tư, nghiên cứu nâng cấp chiếc máy của mình. Mới đây, anh nâng cấp chiếc máy lên “12 trong 1”. Máy được bổ sung 4 công năng: Đào bùn cà phê, đảo phân vi sinh, cấy lúa, di chuyển vật nặng trong vườn. Huy cho biết, cải tiến của anh mang tính đột phá khi có thể áp dụng cả 12 công năng vào những địa hình đa dạng.

“Một phút máy đào bùn cà phê đào được 1,5m, sâu 40cm, rộng 40cm; di chuyển các vật nặng có trọng lượng vài tạ trong vườn một cách dễ dàng. Một người điều khiển máy có thể làm sạch 5 mẫu cỏ trong một buổi sáng, hay phun thuốc sâu cho 1ha chỉ trong 30 phút, giá thành sản xuất chưa tới 20 triệu đồng”, anh nói.

Những chiếc máy nông nghiệp đa năng được chế tạo 4 kiểu dáng chính tùy số lượng các công năng trên máy. Khung máy và các chi tiết, công cụ được làm từ sắt, thép công nghiệp. Kích thước máy chuẩn: Rộng 50cm, dài 120cm, cao 70cm. Tổng trọng lượng khoảng 90kg (lắp ít công năng chỉ khoảng 40-50kg). Thân máy được trang bị động cơ xe máy, bánh răng, bánh lốp, bình xăng, ống xả khí, ghế ngồi, tay điều khiển, trục động cơ. Máy có năng suất gấp 20 lần sức người.

“Ở thân máy trang bị một chiếc trục. Khi cần dùng bộ công cụ công năng nào chỉ việc lắp ráp vào, thay đổi vận tốc trục sẽ chuyển sang công năng khác. Như phun thuốc trừ sâu, chỉ cần lắp bình thuốc, vòi phun vào vận hành. Máy nằm một chỗ, thông qua các vòi phun dài hàng chục mét có thể dễ dàng phun thuốc trên diện rộng”, anh Huy nói.

Anh Huy kể, 3 năm gần đây đã sản xuất hơn 1.000 máy theo đơn hàng của nông dân trên cả nước. Anh nhận được không ít lời mời hợp tác sản xuất từ các công ty cơ khí, nhưng đều từ chối. Về chiếc máy 12 công năng, anh cho biết, đang viết giải pháp và hoàn thiện hồ sơ đăng ký bản quyền.

Ông Đặng Đình Trắc, Phó chủ tịch xã Thượng Vực, cho biết, chiếc máy nông nghiệp “12 trong 1” được đông đảo bà con trong xã mua và sử dụng hiệu quả. “Trong xã có hơn 100 hộ dân mua chiếc máy của Huy phục vụ nông nghiệp”, ông Trắc nói.

Theo Tiền Phong