“Nguồn vốn sẽ được dùng để mở rộng quy mô công ty thông qua việc tuyển dụng các vị trí nhân sự chiến lược và phát triển hệ thống kho và vận hành,” ông Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập kiêm CEO FoodMap cho biết hôm 1/1.
Trước đó, vào cuối năm 2020, Wakemaker đã ‘rót’ 500.000 đô la Mỹ vào Foodmap, và đây cũng là thương vụ đầu tiên của quỹ này tại Việt Nam.
FoodMap hiện cung ứng sản phẩm từ hơn 300 trang trại và nhà sản xuất khắp Việt Nam. Khách hàng của FoodMap bao gồm cả B2C (cung cấp cho khách hàng cá nhân) và B2B (cung cấp cho doanh nghiệp).
Trong suốt thời điểm giãn cách năm 2021, FoodMap là một trong số ít những doanh nghiệp hiếm hoi được cấp phép để tiếp tục hoạt động nhằm cung ứng thực phẩm kịp thời cho người dân.
Nông nghiệp được quan tâm nhiều hơn
Sự quan tâm của các quỹ đầu tư vào FoodMap đã phần nào cho thấy xu hướng rót vốn của họ có sự thay đổi. Thay vì ưu tiên vào những startup công nghệ cao như trước, họ đã dần quan tâm hơn những doanh nghiệp đang hoạt động trong những lĩnh vực thiết yếu hơn.
Điều này cũng cùng với xu hướng đầu tư “an toàn” trên thị trường toàn cầu hiện nay. Theo tờ Wall Street Journal, đối mặt với đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư sẽ không còn tuỳ tiện vung tiền vào những doanh nghiệp có tiềm năng sinh lời ‘khổng lồ’ như trước đây, mà thay vào đó sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh thiết thực và bền vững hơn.
Và một trong những lĩnh vực thiết yếu nhất chính là nông nghiệp. Vào những ngày cuối tháng 3/2021, một nhóm các quỹ đầu tư có tổng giá trị lên tới 2.000 tỷ đô la Mỹ đã thúc dục Uỷ ban Châu Âu (EC) tham vọng hơn trong các kế hoạch cải tổ chương trình trợ cấp nông nghiệp khổng lồ của khối nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng nguồn sinh học.
Nhóm các quỹ đầu tư bao gồm Aviva Investors, Robeco, và FAIRR Intiative, và một nhóm nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực thực phẩm.
Sự hứng thú với lĩnh vực nông nghiệp thực tế đã bắt đầu từ năm 2019. Cũng trong năm này, quỹ SWOF (thuộc quỹ SEAF của Mỹ) ký kết đầu tư vào Công ty CP Đầu tư Organica (sở hữu chuỗi cửa hàng Organica). Sự kiện đã được cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ trong nước đặc biệt quan tâm.
Dù không tiết lộ cụ thể số tiền nhưng bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Organica, cho biết SWOF đã mua 30% cổ phần Organica và cam kết một khoản vay dài hạn để công ty có đủ vốn thực hiện kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới. Bà Thảo hy vọng với nguồn lực mới, Organica sẽ phát triển thêm trang trại, mua thêm hàng hóa và khai thác hiệu quả hơn nguồn lực sẵn có.
Nhờ COVID-19, thời của startup nông nghiệp đã tới?
Nhu cầu thực phẩm tươi sống tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội vì COVID-19, các nền tảng thương mại điện tử lớn đã phối hợp ra mắt mảng nông sản và thực phẩm tươi.
“Trong giai đoạn này, Foodmap là một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến, được cả Tiki và Lazada chọn hợp tác khi ra mắt nông sản, thực phẩm tươi,” đại diện Foodmap cho biết trong lần chia sẻ với báo chí gần đây.
Foodmap cho biết thêm bản thân doanh nghiệp đang phát triển với tốc độ 20%/tháng về số lượng người bán, chủng loại nông sản cũng như đơn đặt hàng. Foodmap hiện cung cấp Foodmap hiện cung cấp các dòng nông sản từ trái cây, rau quả đến các mặt hàng thiết yếu hàng ngày bao gồm khoản mục đi chợ.
Tuy nhiên, liệu triển vọng trên có đủ tạo ra ‘thời’ của startup nông nghiệp hay không lại là chuyện khác. Tính đến nay, đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 10% tổng số vốn đầu tư của các quỹ, theo ông Nguyễn Việt Đức, CEO Innovation Capital Management.
Nguyên nhân chính là do nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp của giới trẻ vẫn còn làm theo thói quen chứ chưa theo nhu cầu của thị trường. Các công nghệ về AI, IoT chưa được áp dụng rộng rãi. Do đó, nguồn tiền mà quỹ này chi ra cho mảng startup nông nghiệp còn ít.
Cùng quan điểm, ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Dong A Solutions cho biết, “Khởi nghiệp nông nghiệp là khó nhất, dài hơi nhất, đắt nhất, và phức tạp nhất. Mà đau lòng nhất là sản phẩm đưa ra thị trường lại trộn lẫn cái tốt với cái không tốt, cái thật với cái không thật, hay chỉ gần như thật. Chi phí bỏ ra để thuyết phục người tiêu dùng vô cùng lớn.”
Tuy vậy, ông Việt cũng tin rằng đây là một lĩnh vực rất tiềm năng nếu giải quyết được các vấn đề ‘nóng’ của xã hội.
Theo Bộ NN&PTNT, 43% người dân Việt Nam hiện đang làm trong lĩnh vực nông nghiệp, và nông nghiệp thực sự là thế mạnh của nước ta. Ngoài ra, nông nghiệp cũng không hề tách rời với bài toán phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mà nhà nước đang xây dựng.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp nước ta gián đoạn do dịch năm ngoái, thì nông nghiệp chính là cứu cánh, giúp nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi tăng trưởng âm. Năm 2021, giá trị xuất khẩu nông nghiệp đạt 48,6 tỷ đô la Mỹ, cao hơn năm 2020 – 41 tỷ đô la Mỹ, theo Bộ NN&PTNT.
Nguồn tham khảo: https://vietnambusinessinsider.vn/foodmap-lien-tiep-duoc-quy-ngoai-rot-von-thoi-cua-startup-nong-nghiep-da-den-a24937.html