Chuyên mục
Những sự thật thú vị

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm?

Ba năm trước, nước mắm truyền thống vướng phải vụ Asen Hữu Cơ – Vô Cơ. Chưa được đính chính lại đàng hoàng thì mới đây lại là giới hạn mập mờ về lượng Histamine được phép có trong nước mắm. Do đó, FoodMap tổng hợp bài này mong muốn đem đến cho mọi người cái nhìn khách quan và cụ thể hơn về vấn đề này.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

ASEN LÀ GÌ?

Asen tồn tại ở hai dạng là VÔ CƠ và HỮU CƠ.

Khi ở dạng vô cơ, hay còn gọi là thạch tín, Asen trở thành một chất cực độc đối với cơ thể. Các dạng này thường tồn tại trong đất và nước, nhiễm vào người thông qua thức ăn hoặc nước uống. Asen vô cơ có độc tính cao, làm tăng nguy cơ ung thư và có thể dẫn đến tử vong khi hấp thụ một liều lượng lớn hoặc tích lũy Asen nồng độ thấp trong thời gian dài. Hợp chất Asen vô cơ tồn tại trong nước ngầm có thể gây nhiễm độc.

Trong khi đó, Asen hữu cơ tồn tại trong các loại thực phẩm tự nhiên như gạo, rau quả, các loại hải sản, trong đó có CÁ BIỂN, nguyên liệu chính dùng để sản xuất nước mắm. Theo Cơ quan Y tế Virginia, Mỹ, Asen hữu cơ KHÔNG tích tụ trong cơ thể người, mà tự đào thải trong một hoặc hai ngày, do đó không gây độc hại gì tới cơ thể. Bởi vậy, nhà chức trách liên bang Mỹ không đặt ra bất cứ giới hạn nào cho hàm lượng Asen HỮU CƠ trong thực phẩm.

ASEN CÓ TRONG NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG. TỐT HAY HẠI?

Trong nước mắm có chứa Asen và lượng Asen này chủ yếu là Asen hữu cơ có nguồn gốc từ CÁ BIỂN – nguyên liệu chính dùng để sản xuất nước mắm. Nước mắm từ xa xưa vẫn được bà con sản xuất theo phương pháp ủ chượp nguyên liệu chính là cá và muối theo tỉ lệ (3:1) trong các thùng gỗ lớn hoặc hầm xi măng trong suốt thời gian từ 9 tháng đến 15 tháng để cho ra đời những giọt nước mắm tinh túy phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.

Chính vì trong cá vốn có chứa lượng Asen tự nhiên nhất định nên trong nước mắm bản chất có chứa Asen cũng là điều dễ hiểu. Vì lượng Asen này là Asen hữu cơ nên không những hoàn toàn KHÔNG gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn bổ sung vi chất có lợi theo nhu cầu cơ thể. Nếu dư thì cơ thể sẽ tự đào thải thông qua đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa, do đó không tích tụ trong cơ thể. Một thực tế là nước mắm có độ đạm càng cao (tức hàm lượng cá càng nguyên chất) thì hàm lượng Asen hữu cơ càng cao.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

Nước mắm công nghiệp cũng có chứa Asen hữu cơ vì về cơ bản nguồn nguyên liệu để sản xuất nước mắm công nghiệp là mắm cốt. Tuy nhiên mắm cốt chỉ chiếm một phần nhỏ trong quá trình sản xuất, do đó lượng Asen hữu cơ cũng như vi chất có lợi cho cơ thể ở đây THẤP hơn so với nước mắm truyền thống nhiều. Đó là chưa kể những chất phụ gia, chất bảo quản, hương liệu được thêm vào trong nước mắm công nghiệp, nên không thể đảm bảo công dụng tốt của lượng Asen hữu cơ ít ỏi có trong nước mắm công nghiệp.

HISTAMINE TRONG NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG THÌ SAO?

Tiêu chuẩn nước mắm của Codex có quy định: “Sản phẩm không được có hàm lượng histamine lớn hơn 400mg/lit”. Đây là một quy định gây ra khá nhiều bất công cho nước mắm truyền thống vì họ cơ bản chưa hiểu được bản chất của Histamine và quy trình làm ra nước mắm nguyên chất.

Nước mắm truyền thống được làm từ các loại cá thuộc họ thu – ngừ (cá trích, cá cơm), loại cá có nhiều thịt đỏ, chứa nhiều axit amin histidine. Ở điều kiện lên men cá trong thùng chượp, loại axit amin này sinh ra Histamine.

Nước mắm truyền thống có độ đạm cao (30-40 độ đạm), nên lượng Histamine luôn ở mức cao, từ 700 – 1200mg/lit là chuyện rất bình thường, nhưng chưa bao giờ có ghi nhận trường hợp ngộ độc Histamine do nước mắm. Chỉ tiêu thấp như tiêu chuẩn thì chỉ có nước mắm công nghiệp là đáp ứng được, vì là nước mắm pha loãng nên chỉ còn 10 độ đạm, rồi thêm các loại hương liệu, phụ gia mới có thể đạt Histamine thấp lý tưởng như vậy.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

Cơ thể người có thể dung nạp một lượng Histamine nào đó, nhưng nếu ăn nhiều quá, từ 1500 – 4000mg (chẳng hạn như ăn cá biển bảo quản không kỹ) thì mới bị ngộ độc Histamine.

Ngưỡng quy định Histamine trong cá biển từ 100 – 200mg/kg, một ngày ăn khoảng 200g cá, vậy mà có điều bất hợp lý là ủy ban Codex quốc tế lại quy định Histamine ở mức ở mức 400mg/lit, trong khi mỗi ngày chỉ ăn được khoảng 10-20ml nước mắm là nhiều, có ai có thể uống được cả lit nước mắm một ngày. Điều đó có nghĩa là hàm lượng Histamine hấp thụ vào cơ thể qua nước mắm rất ít, chỉ khoảng 8mg, không thể đủ gây nguy hiểm cho người dùng. Trước đây thợ lặn của ta trước khi lặn xuống biển còn uống một chén nhỏ nước mắm, chắc cũng khoảng tầm 50-100ml, mà cũng chưa bao giờ thấy ghi nhận trường hợp nào thợ lặn bị ngộ độc Histamine do uống nước mắm như vậy cả.

Như vậy, khó có thể xảy ra ngộ độc Histamine do nước mắm, mà có chăng là sử dụng nước mắm kết hợp với các loại cá biển đã bị ươn để chế biến thức ăn, hoặc là do người đó có cơ địa mẫn cảm. Vậy đưa ra giới hạn Histamine đó quả là có chút bất công đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Vậy, là người tiêu dùng, chúng ta nên hiểu rõ những chất có trong thực phẩm mình đang tiêu thụ và sáng suốt nhìn nhận những thông tin đa chiều để tránh bị hiểu sai, đánh đồng nước mắm công nghiệp với nước mắm truyền thống, để đưa ra lựa chọn thông minh nhất cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

———————–

Nguồn: Tham khảo từ chuyên gia Vũ Thế Thành và DNAFood

Chuyên mục
Những sự thật thú vị

THÙNG GỖ LÀM NƯỚC MẮM CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Gỗ để làm thùng ủ nước mắm phải là loại gỗ đặc biệt, siêu chịu mặn, không tiết ra chất có thể làm ảnh hưởng đến mùi vị và màu sắc của nước mắm nguyên bản. Bời lời là một trong số ít loại gỗ đáp ứng được những yêu cầu khó nhằn này.

Để làm ra được những chiếc thùng khổng lồ có sức chứa hơn cả chục tấn này, những người thợ tài hoa phải mất cả hàng tháng trời mới xong. Một thùng gỗ có chất lượng tốt có thể dùng được vài chục năm, thậm chí cả trăm năm nếu được sử dụng thường xuyên và bảo quản tốt.

THÙNG GỖ BỜI LỜI ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên, gỗ được lựa chọn kỹ và đem xẻ thành những tấm dày từ 3-4cm, rộng từ 10-20cm, rồi ngâm nước, phơi nắng từ 2-3 tháng cho hết chất nhựa cây và để gỗ sau này khỏi bị cong. Người thợ phải tính toán chi li từng milimet để khi ráp lại từng miếng ván phải khít rịt nhau, để nước mắm không bị ngấm hay rỉ ra ngoài. Ở giữa các thanh gỗ có chèn thêm vỏ cây tràm; vỏ cây này khi gặp nước sẽ nở ra, bịt kín các khe nhỏ li ti của thùng.

Tiếp theo, khâu được xem như khó nhất, thể hiện tay nghề của thợ là niềng thùng bằng các đai tre. Đai phải vừa đủ độ thít, nếu chặt quá thì thùng sẽ bị nứt hoặc nổ (thùng bị bọp vào phía trong và phát ra tiếng kêu rất lớn), còn lỏng quá thì bị rò nước. Do đó, niềng được độ vừa phải cũng là cả một nghệ thuật.

Đai được làm bằng mây xanh hoặc mây đỏ bứt trên rừng. Từng đai được bó, xoắn cẩn thận bằng 70 sợi mây, mỗi sợi to bằng cỡ ngón tay, có chiều dài trên dưới chục mét. Quấn đai cũng là cả một nghệ thuật vì chỉ có những người thợ chuyên nghiệp, lành nghề mới có cách “giấu mối” để người bình thường nhìn vào sẽ tưởng đó là một sợi đai nguyên. Người ta vô đai bằng cách lật úp thùng lại. Ba chiếc đai miệng thùng được vô đầu tiên, sau đó phải ngưng lại cả tháng trời để vách thùng khô mới vô tiếp.

Công đoạn cuối cùng là công đoạn xảm thùng gỗ – rất quan trọng trong việc đảm bảo cho thùng nước mắm không bị rò rỉ. Bột dùng để bịt các khe hở được tạo thành bằng cách nấu bột trai (vỏ của con trai, sò nung lên, nghiền ra) và trộn với dầu dái – loại cây mà cho ra loại dầu đặc trưng, vừa dẻo quạnh, vừa chắc chắn. Hỗn hợp đó sau khi chít vào các mạch gỗ, khô rồi, chắc nanh, dùng sức người không thể cạy lên được.

Các khe tiếp nối giữa thành đáy và mặt gỗ còn cho thêm bột phao tre (tức cây tre nghiền thành vỏ) trộn đều để tăng khả năng trương nở, kết dính. Quá trình đó được người thợ thao tác tỉ mỉ, cẩn thận.

Sau khi hoàn thành, người thợ còn phải kiểm tra đi kiểm tra lại rất kỹ để đảm bảo thùng chịu được mặn và không bị rò rỉ.

Vậy đó, để làm nên thùng gỗ bời lời hoàn chỉnh cũng lắm công phu, cũng cần lắm cái tâm của người thợ, mới có thể ủ được mắm với hương vị và màu sắc nguyên bản như vậy. Nước mắm truyền thống nhờ vậy cũng đẹp hơn, không chỉ vì chất lượng cá, muối hay thùng gỗ, mà đã trở thành linh hồn, là một phần không thể thiếu gắn kết người dân với mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên.

—————————-

Tham khảo: Báo Tuổi Trẻ

Chuyên mục
Kiến thức dinh dưỡng

ĂN SẦU RIÊNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG NÓNG?

Khi ăn sầu riêng, chắc hẳn nhiều người cảm thấy nóng phừng phừng trong người đúng không nào? FoodMap sẽ giới thiệu đến bạn cách dùng chính sầu riêng như thế nào để giảm nhiệt trong người lại. Đây là một bài viết thú vị đứng từ góc nhìn Đông Y, cân bằng âm dương, tính nóng và mát. Cả nhà cùng tham khảo nhé!

Sầu riêng là cây rất cao. Quả của nó ở tít phía trên cách mặt đất. Càng trên cao thì càng âm. Nếu so với mít thì cao hơn hẳn nên nó âm hơn mít.

Vỏ quả sầu riêng có gai to dài sắc nhọn. Nó giống như năng lượng được bung mạnh ra như pháo hoa rồi lại được kéo lại tạo thành các gai, các rãnh, lực co kéo rất mạnh. Vỏ sầu riêng cứng như vậy mà gai thì sắc nhọn dài chứng tỏ năng lượng bên trong cực lớn. Lớn hơn nhiều so với mít. Vỏ bên ngoài rất cứng chứng tỏ dương lực tập trung ra bên ngoài nên bên trong sẽ âm. Như vậy sầu riêng vừa âm và năng lượng tiềm ẩn rất lớn. Nếu đem vùi quả sầu riêng vào trong 1 xô muối, khi nó bắt đầu chín, năng lượng nó tỏa ra lúc nào cũng thấy nóng hết cả xô trong vài ba ngày.

Nếu so sánh với dừa, cũng ở trên rất cao, vỏ cũng rất cứng, dừa cũng rất âm nhưng năng lượng không bung mạnh như sầu riêng. Năng lượng của sầu riêng bung mạnh, bốc, nóng còn dừa thì lại chìm, lạnh. Dừa và sầu riêng là 2 trạng thái âm khác nhau.

Khi ăn sầu riêng có thể thấy người nóng phừng phừng, bốc ra. Nhưng cái nóng này có thể được hãm lại (bị khử) bởi vỏ sầu riêng. Chính vỏ sầu riêng đã bọc lại cái năng lương li tâm cực mạnh này. Vì thế, muốn ăn nhiều sầu riêng mà không nóng, hãy luộc vỏ sầu riêng lấy nước uống. Người biết với không biết âm dương nó thể hiện ở chỗ này. Nếu cơm sầu riêng được coi là nóng thì vỏ lại là phần mát. Nếu cơm sầu riêng là nóng (âm) thì hạt lại mát (dương). Đó là nguyên lý trong âm sinh dương hoặc trong âm có dương và ngược lại.

Xét trong nội tại quả thì hạt được coi là dương so với cơm, xét về độ cao so với mặt đất thì cả quả trong đó có hạt lại được coi là âm (so với mấy quả dưới đất). Hạt có tính nhớt có thể coi là âm. Thế nên, một thức có nhiều mặt biểu thị âm dương.

Hạt sầu riêng rất quí, nó có nhiều chất dinh dưỡng, không nên vứt bỏ. Hạt có tính nhớt, ấm, dương nên rất tốt với người bệnh khớp, tốt cho phụ nữ và cả đàn ông.

Hạt sầu riêng rất quí, nó có nhiều chất dinh dưỡng, không nên vứt bỏ. Hạt có tính nhớt, ấm, dương nên rất tốt với người bệnh khớp, tốt cho phụ nữ và cả đàn ông. Hạt sầu có tính mát hơn cơm sầu nên cũng có thể dùng để giải nhiệt. Tuy nhiên cũng không vì thế mà ăn quá nhiều nhé, chỉ nên ăn vừa sức thôi.

Ta có thể nấu hạt sầu riêng với rau muống hoặc rau đay, có thể cho thêm khoai sọ thì càng tốt. Có thể nấu hạt sầu riêng với móng giò, rau muống hoặc rau đay. Khi chín cho thêm rau mùi hoặc hành, hoặc mùi tàu.

Hoặc chúng ta cũng có thể kho hạt sầu riêng với khoai sọ hoặc với củ sen, hoặc khoai lang hoặc mấy thứ đó với nhau. Bật mí là nếu bạn kho sầu riêng hay củ sen thì nên hấp cách thủy cho bở rồi kho nhé.

Canh sầu riêng có vị ngọt hơn so với khoai sọ, khoai môn. Tuy nhiên cũng phải cảnh báo trước là mùi của hạt không được thơm như khoai môn khoai sọ đâu nhé!

Đây cũng là một số gợi ý thú vị để tận dụng cả vỏ và hạt sầu riêng đúng không cả nhà hen?

————

Nguồn: Bài viết từ Bếp Thực Dưỡng

 

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Nhật kí chuyến thăm cơ sở sản xuất Đường Thốt Nốt tại Tịnh Biên, An Giang ngày 20/02/2019

Sau khoảng 6h đồng hồ đi xe đò, đến 5h giờ sáng ngày 20/02/2019, team FOODMAP chúng tôi cũng đã đặt chân đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chỉ có vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ cho việc ăn uống, nghỉ ngơi và cất đồ, 6h sáng, chuyến đi của chúng tôi mới thực sự bắt đầu.

Từ Châu Đốc, chúng tôi đã di chuyển sang Tịnh Biên để đến được với hộ gia đình của chú Hai Tuấn – một hộ gia đình có bề dày lịch sử thuộc hạng lâu đời nhất (từ sau những năm giải phóng đến nay, hơn 30 năm kinh nghiệm) về việc sản xuất các sản phẩm từ cây thốt.

“Nói đến thốt nốt, có hàng tá thứ mà chúng ta có thể làm được với gỗ cây, lá, quả hay thậm chí là cả hoa của cây thốt nốt”, theo như chú Hai Tuấn chia sẻ. Trong số các sản phẩm đó, không thể nào không kể đến đường thốt nốt được. Rất nhiều người, kể cả chúng tôi bị lầm tưởng rằng đường thốt nốt được làm từ quả của cây thốt nốt, nhưng thật bất ngờ, sau quá trình tìm hiểu thì chúng tôi mới biết được rằng đường thốt nốt được sản xuất từ một loại nước chiết suất từ hoa của cây thốt nốt, và đây cũng chính là sản phẩm của chiến dịch lần này mà FOODMAP mong muốn gửi đến bà con cô bác, món đặc sản trứ danh của vùng đất Tịnh Biên, An Giang – đường thốt nốt.


Vườn thốt nốt tại Tịnh Biên, An Giang.

Cầm hũ đường trên tay, có ai biết rằng để sản xuất ra được 1 kg đường thì sẽ vất vả như thế nào? Thực sự rất may mắn cho team FOODMAP khi chú Hai Tuấn nhận lời chia sẻ về quá trình làm đường gia truyền của nhà chú. Hôm nay, FOODMAP xin được tóm lại quá trình ấy dưới dạng một bài toán như sau: “1 kg đường thốt nốt cần những gì?”

Ba anh em chúng tôi đã dành cả ngày chỉ để đi tìm câu trả lời cho bài toán ấy. Trước tiên, điều kiện cần của bài toán là: những cây thốt nốt này phải có tuổi đời ít nhất là 15 năm tính từ lúc trồng cây; và điều kiện đủ là: hoa của cây thốt nốt đã đạt đến thời điểm có thể chiết suất được nước để làm đường.

Và lời giải cho bài toán như sau:

Mỗi ngày, người nông dân phải leo khoảng 50 cây thốt nốt, chia làm 2 buổi sáng và chiều, trung bình mỗi cây mất khoảng 10 -15 phút để leo và thu hoạch nước hoa thốt nốt. Mỗi bông hoa thốt nốt cần ít nhất 4 ngày (3 ngày để kẹp hoa + 1 ngày để ngâm hoa trong nước lạnh) thì mới lấy nước được. Những người nông dân ấy ngày nào cũng thức dậy từ tờ mờ sáng để bắt đầu công việc, hông thì đeo dao và cây kẹp, tay thì xách hàng chục những chai đựng để thu hoạch nước hoa thốt nốt. Nhìn cảnh chú Hai Tuấn đã ở độ tuổi 58 phải leo cái độ cao hơn 15 mét (tính từ mặt đất tới đỉnh cây) mỗi ngày chỉ bằng những cây tre cột vào thân cây thốt nốt mà chúng tôi không khỏi khiếp sợ và xót xa. Đôi bàn tay, bàn chân của chú đã trở nên thô xạm, rắn rỏi nhưng cực kì linh hoạt và dẻo dai, thoắt một cái chú đã lên tới ngọn cây khiến chúng tôi vô cùng kinh ngạc.

Dưới cái nắng gay gắt của mặt trời, những con gió khô hốc hác thổi qua khiến chúng tôi ram cả da, ấy vậy mà chú có thể chịu đựng như vậy hơn 8 giờ đồng hồ mỗi ngày, thực sự chúng tôi vô cùng khâm phục. Từng chai nước rỗng được đem lên ngọn cây để đổi lấy những chai nước đầy đem xuống. Cứ vậy, chúng tôi gom tất cả lại trong một can lớn để mang về và chuẩn bị cho quá trình sản xuất đường.

Chú Hai Tuấn ở trên ngọn cây thốt nốt.

Hoa thốt nốt (cây đực)

Chú Hai Tuấn chia sẻ, đối với chú, chú dùng cây sến, một loại cây mà Việt Nam mình đã không còn, phải mua từ Campuchia về với giá 7000đ/kg, chặt ra và phơi khô để bỏ vào nước hoa thốt nốt, nó giúp cho nước có vị thơm mà không bị chua, còn những người khác họ dùng hoá chất hay gì thì chú không biết, có thể sẽ nhanh hơn, tiện hơn nhưng lương tâm chú không cho phép làm điều đó.

Chú Tuấn giải thích về cây Sến

Nước hoa thốt nốt sau khi đem về được lọc sạch cặn, đổ vào 1 nồi lớn, đun với lửa to, vớt bọt liên tục cho tới khi thứ nước ấy keo lại và có màu vàng sóng sánh như mật ong thì đó được gọi là đường non. Nếu tiếp tục đun lửa cho tới khi nó sền sệt một màu hổ phách thì món đường thốt nốt đã hoàn thành được 90% rồi đó. Nhờ một máy đánh tự chế, nước đường sẽ được đánh đều tới khi chuyển sang trạng thái cực sệt và mịn với một màu vàng nâu đặc trưng, toát lên 1 mùi thơm không thể lẫn với bất kì loại đường nào khác thì món đường thốt nốt trứ danh đã hoàn tất. Đường thốt nốt có vị ngọt rất thanh, tan ngay trong miệng, có thể dùng thay cho đường cát hay đường tinh luyện để nấu ăn, pha nước uống,… vừa đem lại mùi vị đặc trưng, vừa có lợi cho sức khoẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì cho người sử dụng. Tuy vậy, để có được 1 kg đường ấy phải mất khoảng hơn 6 lít nước hoa thốt nốt, và để có được 6 lít nước hoa thốt nốt, chắc chắn sẽ mất rất nhiều mồ hôi, công sức và nước mắt của người nông dân, thật sự rất đáng quý.

Thành quả sau một ngày làm việc – những hũ đường thốt nốt hoàn thiện.

Một ngày trải qua với team FOODMAP tại nơi đây quả thực mang đến rất nhiều kiến thức bổ ích, những trải nghiệm thú vị cũng như những xúc cảm không thể nào quên. Khi được cầm hũ đường do chính mình góp công làm ra trên tay, cảm xúc lúc đó như vỡ oà, những nụ cười xuất hiện rạng rỡ trên khuôn mặt của mỗi người dường như đã xoá tan đi mọi vất vả, cực nhọc của một ngày dài từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tụi con thật sự rất biết ơn gia đình chú vì đã nồng hậu đón tiếp tụi con, dành cả 1 ngày trời để chia sẻ những điều thú vị xung quanh cây thốt nốt cũng như quá trình sản xuất ra món đường thốt nốt không hoá chất, không phụ gia, an toàn cho sức khoẻ và đặc biệt 100% từ nước cây thốt nốt của gia đình chú. Một lần nữa, tụi con xin chân thành cảm ơn gia đình chú Hai Tuấn. Tụi con xin chúc gia đình chú một năm mới dồi dào sức khoẻ, an khang, thịnh vượng và vạn sự như ý, chúc cho sản phẩm đường thốt nốt của nhà mình buôn may bán đắt và được biết đến rộng rãi hơn nữa vì sức khoẻ và thói quen tiêu dùng tốt cho cộng đồng!

— Viết bài: Nhat Tran từ FoodMap Team —

Mời mọi người cùng xem thêm video clip về chuyến đi này của FoodMap Team nhé:

Chuyên mục
Đặc sản Việt

Sầu riêng chín tự nhiên – Vườn sầu Năm Hưng

Mời các bạn vùng FoodMap Team tham quan vườn sầu Năm Hưng xem có gì thú vị nhé!

Vườn sầu riêng của ba mẹ năm nay vừa 4 tuổi, là năm đầu tiên thu trái. Em đánh liều nói ba mẹ để lại vườn Sầu riêng vào để chạy một chiến dịch trên FoodMap. Mục tiêu là để ba mẹ không phải bán cho thương lái, để Sầu riêng được chín tự nhiên, an toàn cho người tiêu dùng. Thương lái mua Sầu là bao cả vườn, họ cắt hàng loạt rồi về ngâm thuốc cho kích thích cho chín. Ba mẹ cũng đánh liều với mình, không bán vườn cho lái nữa. Mình mở đặt hàng trước sớm, để bạn bè thích ăn Sầu có thể đặt trước. Đến khoảng đầu tháng 5 Sầu sẽ chín, mình về cắt Sầu phụ ba mẹ để mang đi giao. Duy đặt mục tiêu bán hết 5 tấn Sầu cho ba mẹ. Mong mọi người chia sẻ giúp Duy, để ba mẹ trồng Sầu mà không phải sầu nha hehe.

Thương mến

P/s: Vườn Sầu ba mẹ đang dần làm theo hướng hữu cơ, sử dụng phân vi sinh, và hoàn toàn không sử dụng thuốc diệt cỏ. Cứ mấy ngày lại phải vác máy đi phát cỏ, cực lắm.

 

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc

Gần đây trên truyền thông có nhiều thông tin trái chiều về ngành làm nước mắm truyền thống. Do đó những người bạn FoodMap muốn đi tận nơi, trông tận mắt để tìm hiểu về nghề làm nước mắm truyền thống tại Đảo Phú Quốc – hòn đảo ngọc của Việt Nam.

Lần này FoodMap đi tham quan cơ sở sản xuất nước mắm Thanh Hà, là một trong những doanh nghiệp sản xuất nước mắm lâu đời nhất của Phú Quốc và của Việt Nam. Trong video này, FoodMap sẽ dẫn bạn đi từ công đoạn thu hoạch cá, cho cá vào thùng, kiểm tra mẫu nước mắm và đóng gói. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ được cùng FoodMap theo chân những ngư dân ra cửa biển để ra khơi đánh bắt cá.

Chuyên mục
Mẹo hay nhà bếp

Cách ủ bơ 034 chín tự nhiên – không cần dùng hóa chất

Quả bơ được nhiều người lựa chọn là món ăn bổ dưỡng, tuy nhiên nếu ăn phải bơ tẩm hóa chất thì tác hại để lại cho sức khỏe sẽ khôn lường.

Toàn bộ bơ của FoodMap đều đạt tiêu chuẩn VIETGAP, được hái rất già 8-10 tuổi và ủ chín một cách tự nhiên.

Chuyên mục
Đặc sản ngon Hàng chất RÌ VIU

Clip Nóng Khui Sầu Riêng Chín Tự Nhiên Ngon Bá Cháy

Sầu riêng từ vườn sầu Ri6 của chú Hưng và cô Ánh tại Hợp tác xã Hưng Phát, huyện Đồng Phú, tính Bình Phước. Đợt sầu đầu mùa năm 2019, FoodMap khui thử trái mẫu để cả team cùng thưởng thức. Sầu ngon quá ngời quá đất luôn!!!

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Lòng vòng Phú Quốc cùng FoodMap Team

Sẵn dịp đi tham quan cở sở sản xuất nước mắm Thanh Hà tại Phú Quốc, FoodMap Team đã có cơ hội đi dạo lòng vòng quanh hòn đảo xinh đẹp này! Hai anh em ton ton trên một chiếc xe máy, cứ thế rong ruổi khắp các nẻo đường, băng qua chợ Dương Đông với đủ các loại thuỷ quái, ghé một vài quán cà phê khá đẹp và nổi tiếng tại Phú Quốc, đi dạo trên Cầu cảng quốc tế, TẮM TIÊN tại bãi biển không người và đặc biệt là tham quan thiền viện Trúc Lâm – chùa Hộ Quốc rất hoành tráng!

Mời mọi người cùng theo chân FoodMap Team xem Phú Quốc có gì thú vị nhé!

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Đặc sản ngon Những sự thật thú vị RÌ VIU

Độc Đáo Ly Cà Phê 3 Miền

CÀ PHÊ TRỨNG – THỨC UỐNG ĐỘC ĐÁO NGƯỜI HÀ THÀNH

Nhắc tới cà phê Hà Nội, ngay lập tức bạn sẽ được kéo ngay tới quán cà phê Giảng và được giới thiệu về cốc cà phê trứng- thức uống độc đáo của người Hà Thành.

Cà phê trứng được khởi sinh sáng tạo bắt nguồn từ việc thiếu…sữa. Tương truyền cụ Nguyễn Văn Giảng từng là đầu bếp nổi tiếng tại khách sạn Metropole đã sáng tạo ra món cà phê đặc biệt này. Vào năm 1940, khi mọi thứ đều khan hiếm, ông trăn trở muốn tạo ra một thức uống ngọt ngào vị sữa và kem như Cappuchino, tuy nhiên, để làm ra một cốc cappuchino thời đó khá đắt đỏ với cà phê, kem, váng sữa…thì sao người Việt có thể uống nó hàng ngày được? Và ông đã trăn trở, liệu có thể làm món đồ uống hấp dẫn, không đậm đà như cà phê phin mà nhẹ nhàng, ngọt ngào được không? Liệu có thể tạo ra món Cappuchino Việt Nam với nguyên liệu khác, phù hợp với người Việt hơn không?

Và sau nhiều lần thử nghiệm của ông thì món cà phê trứng đã ra đời.

Cà phê trứng tại Giảng

Ảnh: Cà phê trứng tại Giảng

Nguyên liệu để làm cà phê trứng khá đơn giản, gồm trứng gà tươi, đường, sữa, cà phê. Lòng đỏ trứng được đánh bằng máy với sữa, đường rồi đổ lên cốc cà phê đen. Cốc cà phê trứng thường được giữ nhiệt bằng một chiếc tách để nước nóng và không phải là món có thể uống nhâm nhi vì để lâu sẽ dễ bị tanh. Khi cốc cà phê trứng nóng hổi được bưng ra, hãy cầm thìa khuấy nhẹ để kem trứng hoà quyện với lớp cà phê. Hãy nhớ cách uống là hãy dùng sự khéo léo của mình để làm thế nào uống sao cho hai thức uống này trộn vào nhau. Sự bông mềm mịn ngọt ngào tưởng chừng chẳng liên quan với vị đắng đen của cà phê nhưng khi uống rồi thì cảm nhận chắc chắn là sự pha trộn hoàn hảo đầy quyến rũ. Chả thế mà cà phê trứng là một trong những đồ uống trong TOP 17 loại cà phê đáng thử nhất trên Thế Giới, là cốc cà phê mở đầu cho sự khám phá hành trình văn hoá Việt Nam.

ĐẬM ĐÀ, CHẬM RÃI LY CÀ PHÊ MIỀN TRUNG

Ở miền Trung hay đặc biệt là thành phố Huế mộng mơ thì lại không sáng tạo một món cà phê nào cố hữu. Hay chăng muốn nói về cà phê miền Trung lại muốn nói về vị cà phê đậm đặc và cách thưởng thức tinh tế, chậm rãi đậm chất người miền Trung sống sâu đậm, nghĩa tĩnh.

Đà Nẵng nổi tiếng với cà phê Long

Đà Nẵng nổi tiếng với cà phê Long

Cốc cà phê thường rất ít và đậm đà hơn rất nhiều so với ly cà phê miền Nam và miền Bắc. Thường chủ quán hay phục vụ cà phê với phin pha trực tiếp rồi để cho khách ngồi chờ từng giọt cà phê rơi xuống cốc, chậm rãi, nhẹ nhàng. Một phin chỉ chắt lọc ra được tầm 1/5 cốc nhỏ. Sau khi chờ phin chảy xuống cốc hết thì người uống có thể hoà đường rồi bỏ một viên đá to đủ để làm lạnh chứ không để cà phê bị pha loãng quá nhiều, rồi ngồi nhâm nhi chút cà phê bên các quán cóc giản dị. Một điều khá thú vị là quán cà phê miền Trung thường ở gần các khu yên tĩnh, thanh bình được trang trí hết sức nhẹ nhàng. Vào quán, người miền Trung thường nói chuyện nhỏ nhẹ, chả bao giờ nói lớn bỗ bã, thỉnh thoảng ngồi im lặng ngắm thời gian trôi bên ly cà phê nhỏ giọt. Quán cà phê như quán thiền giúp người ta tĩnh tâm hơn, trầm ngâm, gợi cho ta những nỗi vui buồn, những kỷ niệm bên cốc cà phê đậm đà, như một thú vui thanh tao thường ngày vậy.

BẠC TẨY XỈU PHÉ – NGỌT NGÀO NHƯ NGƯỜI SÀI GÒN

Ở Hà Nội có cà phê trứng thì ở Sài Gòn, bạn bắt buộc phải thử một cốc bạc xỉu nhiều đá và sữa rồi. Bạc xỉu xuất phát từ cụm “bạc tẩy xíu phé” (bạc là màu trắng, tẩy là cái ly, xỉu là một chút, phé là cà phê), nghĩa là cà phê pha thêm chút sữa. Bạc xỉu cũng là thức uống sáng tạo của người dân lao động, và thật kì lạ cũng bắt nguồn từ việc…thiếu sữa tươi hồi trước. Sữa tươi vì là mặt hàng xa xỉ nên sữa đặc Ông Thọ hay Con Chim được thay thế. Tuy nhiễn sữa đặc pha nóng có vị hơi ngái nên người ta mới nghĩ ra việc thêm chút vị cà phê để át mùi ngái đó. Thế là món bạc xỉu được ra đời.

ly-bac-xiu

Cà phê Vợt Sài Gòn

Cốc bạc xỉu cũng rất đặc trưng với phong cách uống cà phê nơi đây. Khác với người Huế và Hà Nội, cách uống cà phê của người Sài Gòn hết sức hào sảng và họ coi cốc cà phê không chỉ là thức uống nhâm nhỉ mà còn là nước giải khát. Vì là giải khát nên cốc cà phê thường rất ngọt, gần như át hết vị đắng của cà phê và được cho rất nhiều đá. Cốc cà phê thường được pha rất loãng đựng ở ly cốc cao. Ở Hà Nội và Huế thường được phục vụ phin và cốc còn ở Sài Gòn thì cà phê chủ yếu sẽ pha sẵn và uống cà phê bằng…ống hút, nên nếu một người Hà Nội hay Huế vào Sài Gòn chắc sẽ có một cú sốc văn hoá nhẹ về văn hoá uống cà phê Sài Thành này. Và người Sài Gòn cũng không quen uống cà phê kiểu Hà Nội hay Huế vì cốc cà phê quá đậm và phong thái uống quá chậm rãi vậy.

Cốc cà phê được ví như một di sản văn hoá không chính thức của người Việt. Cốc cà phê phin đen đậm với từng giọt phin rơi chậm rãi xuống đáy cốc luôn là một hình ảnh gắn bó với người dân Việt từ xưa tới nay, tuy nhiên ở đó lại là những câu chuyện khác nhau tạo ra cà phê Việt mỗi vùng miền một màu sắc riêng, hết sức đa dạng, độc đáo. Và cách thưởng thức cà phê của người Việt mang phóng thái thư giãn luôn là hình ảnh không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người Việt.

——————–

Nguồn: kentheroad