Chuyên mục
Đặc sản Việt

NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG – MỘT MẢNH GHÉP VĂN HÓA VIỆT NAM

NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG – MỘT MẢNH GHÉP VĂN HÓA VIỆT NAM

Từng giọt mắm trong suốt, vàng nhạt, vị ngọt dịu, thơm nồng đã thấm đượm trong văn hóa người Việt cả ngàn năm nay. Thế nhưng có mấy ai biết đên nguồn gốc của nước mắm truyền thống người Việt ta ngày nay?

Hãy cùng FoodMap tìm hiểu đôi chút về gốc gác cổ xưa của nước mắm nhé. Liệu nước mắm có phải khởi nguồn từ phương Đông như nhiều người thường nghĩ?

TỪ NGÀN XƯA ĐÃ LÀ ĐẶC SẢN

Từ thế kỷ thứ II TCN, cư dân Carthage – một nước cộng hòa cổ ở Bắc Phi đã phát minh ra kỹ thuật ướp cá biển với muối, kết hợp với sức nóng mặt trời vùng Địa Trung Hải để tạo ra thứ nước mắm Carthage.

Năm 146 TCN, người La Mã thôn tính Carthage và chiếm luôn bí quyết làm mắm nơi đây. Họ xếp cá thành lớp xen kẽ với muối trắng, sau đó để lên men và trở thành một món ăn có mùi vị hấp dẫn, gọi là garum. Từ đó trở thành một phần quan trọng trong ẩm thực thời đó.

Tấm thảm được khai quật từ phần nền của một cửa hiệu bán garum ở Pompeii cho thấy sự phát triển cực thịnh của nước mắm thời La Mã (nguồn: namlimxanh)

Garum du nhập vào phương Đông thông qua “con đường tơ lụa” và có những biến đổi phù hợp với văn hóa từng nước. Đế chế La Mã sau đó sụp đổ khiến công thức làm nước mắm ở phương Tây chìm vào quên lãng. Các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản cũng dần bỏ mắm và chuộng tương hơn vì phù hợp với khí hậu lạnh mùa đông.

Chỉ riêng tại Việt Nam, nước mắm vẫn phát triển và được lưu truyền rất mạnh mẽ. Theo đó, tuy không có nguồn sử liệu nào ghi lại thời gian và nơi khai sinh ra nước mắm chính xác nhưng chí ít mắm Việt cũng đã có tuổi đời hơn 1000 năm. Và sau bao nhiêu biến động và đổi thay thì cho đến ngày nay, nước mắm vẫn là tinh hoa ẩm thực Việt, là “quốc hồn quốc túy” của dân tộc.

NƯỚC MẮM LÀ LINH HỒN CỦA ẨM THỰC VIỆT

Nước mắm là gia vị, là nguyên liệu trong hầu hết các món ăn để tăng thêm hương vị và làm cho món ăn đậm đà và quyến rũ hơn. Có khi chỉ cần chan nước mắm lên chén cơm trắng hay bún gạo tươi là người Việt chúng ta đã có được một bữa ăn ngon miệng.

Nước mắm là một trong những thứ làm cho ẩm thực Việt Nam khác với ẩm thực nước khác. Các nước khác chỉ cần nhắc đến nước mắm là tự khắc sẽ nhớ ngay đến món ăn Việt, và có vẻ như bất kỳ món ăn nào chỉ cần có sự góp mặt của nước mắm kế bên là đều mang dáng dấp ẩm thực Việt Nam.

Nước mắm còn là biểu trưng cho sự đoàn kết và chia sẻ trong bữa cơm của người Việt. Ở đó, chén nước mắm đặt chính giữa mâm cơm, tuy ít, lại không phải là cao lương mỹ vị nhưng là món mà mọi người đều hướng đến, và cùng nhau chia sẻ.

Một chén nước mắm nguyên chất là kết quả của biết bao tâm huyết và công sức từ công đoạn chọn lọc cá tươi đến ủ chượp cá và muối ít nhất từ 8 đến 12 tháng hoặc hơn mới ra được hương vị thơm ngọt dịu không thể lẫn vào đâu được, độ sánh và màu vàng rơm hay cánh gián đặc trưng của nước mắm truyền thống.

Có những cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc có tuổi đời hơn trăm năm, được truyền qua biết bao nhiêu thế hệ cốt để giữ cái hồn truyền thống của cha ông. Có những người đã xuất ngoại lại vẫn quay về quyết tâm xây dựng từ đầu để mang nước mắm đúng vị nguyên chất ra cho bà con Việt ở nước ngoài. Lại có những người từ bỏ công việc ổn định lương cao để quay về xây dựng xưởng mắm với mong muốn lưu giữ hương vị truyền thống của quê nhà.

Cũng bởi nước mắm đã là truyền thống, là một phần văn hóa không thể tách rời của người dân Việt Nam, nên luôn có những con người luôn sẵn sàng dành cả tuổi trẻ để lưu giữ cái hồn của dân tộc như vậy.

Nguồn: Tham khảo từ Báo Người Lao Động

——————-

Nước mắm Thanh Hà với tuổi nghề hơn 100 năm vẫn còn sản xuất đúng theo quy trình làm nước mắm truyền thống giữ nguyên từng giọt mắm vàng ươm, sánh đượm vị ngọt dịu tự nhiên của cá biển.

Tham khảo ngay tại Foodmaphttps://foodmap.asia/products/nuoc-mam-truyen-thong-phu-quoc-thanh-ha

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *