Chuyên mục
KIẾN THỨC NÔNG NGHIỆP Nông sản hữu cơ

Nông sản hữu cơ Việt được đón nhận ở 180 quốc gia

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020 – 2030 được Chính phủ phê duyệt bắt nguồn từ thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh về NNHC của các vùng miền và địa phương, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất NNHC ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Theo đó, các đơn vị quản lý tại địa phương, các hiệp hội ngành hàng, người sản xuất và doanh nghiệp sẽ nắm được các quan điểm phát triển, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nhà nước về phát triển NNHC; triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Ðề án phù hợp chức năng của đơn vị và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2016 diện tích canh tác hữu cơ trên cả nước là hơn 53.000ha, hiện diện tích này đạt gần 238.000ha. Số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ là 97 doanh nghiệp, trong đó tham gia xuất khẩu có 60 doanh nghiệp với kim ngạch 335 triệu USD/năm.

Sản phẩm NNHC Việt Nam được tiêu thụ trong nước và hiện đã xuất khẩu đi 180 nước trên thế giới. Trong đó, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italia… là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, đầu ra các sản phẩm hữu cơ rất tốt, thậm chí các sản phẩm còn không đủ để cung ứng ra thị trường. Hiện Bộ đang thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy Đề án phát triển NNHC. Mục tiêu đến năm 2025 là có 1,5 – 2% diện tích đất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đến 2030 sẽ đạt từ 2,5 – 3% diện tích hữu cơ.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc quản lý sản xuất hữu cơ đóng vai trò rất quan trọng bởi nó đảm bảo các sản phẩm được gắn mác hữu cơ đều thực sự là sản phẩm của NNHC. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức chứng nhận và sản phẩm NNHC, từ cấp Bộ đến các địa phương. Bên cạnh đó là đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất hữu cơ, tăng cường công tác đào tạo chuyên gia chuyên sâu về NNHC.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *