Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Nhật kí chuyến thăm cơ sở sản xuất Đường Thốt Nốt tại Tịnh Biên, An Giang ngày 20/02/2019

Sau khoảng 6h đồng hồ đi xe đò, đến 5h giờ sáng ngày 20/02/2019, team FOODMAP chúng tôi cũng đã đặt chân đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chỉ có vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ cho việc ăn uống, nghỉ ngơi và cất đồ, 6h sáng, chuyến đi của chúng tôi mới thực sự bắt đầu.

Từ Châu Đốc, chúng tôi đã di chuyển sang Tịnh Biên để đến được với hộ gia đình của chú Hai Tuấn – một hộ gia đình có bề dày lịch sử thuộc hạng lâu đời nhất (từ sau những năm giải phóng đến nay, hơn 30 năm kinh nghiệm) về việc sản xuất các sản phẩm từ cây thốt.

“Nói đến thốt nốt, có hàng tá thứ mà chúng ta có thể làm được với gỗ cây, lá, quả hay thậm chí là cả hoa của cây thốt nốt”, theo như chú Hai Tuấn chia sẻ. Trong số các sản phẩm đó, không thể nào không kể đến đường thốt nốt được. Rất nhiều người, kể cả chúng tôi bị lầm tưởng rằng đường thốt nốt được làm từ quả của cây thốt nốt, nhưng thật bất ngờ, sau quá trình tìm hiểu thì chúng tôi mới biết được rằng đường thốt nốt được sản xuất từ một loại nước chiết suất từ hoa của cây thốt nốt, và đây cũng chính là sản phẩm của chiến dịch lần này mà FOODMAP mong muốn gửi đến bà con cô bác, món đặc sản trứ danh của vùng đất Tịnh Biên, An Giang – đường thốt nốt.


Vườn thốt nốt tại Tịnh Biên, An Giang.

Cầm hũ đường trên tay, có ai biết rằng để sản xuất ra được 1 kg đường thì sẽ vất vả như thế nào? Thực sự rất may mắn cho team FOODMAP khi chú Hai Tuấn nhận lời chia sẻ về quá trình làm đường gia truyền của nhà chú. Hôm nay, FOODMAP xin được tóm lại quá trình ấy dưới dạng một bài toán như sau: “1 kg đường thốt nốt cần những gì?”

Ba anh em chúng tôi đã dành cả ngày chỉ để đi tìm câu trả lời cho bài toán ấy. Trước tiên, điều kiện cần của bài toán là: những cây thốt nốt này phải có tuổi đời ít nhất là 15 năm tính từ lúc trồng cây; và điều kiện đủ là: hoa của cây thốt nốt đã đạt đến thời điểm có thể chiết suất được nước để làm đường.

Và lời giải cho bài toán như sau:

Mỗi ngày, người nông dân phải leo khoảng 50 cây thốt nốt, chia làm 2 buổi sáng và chiều, trung bình mỗi cây mất khoảng 10 -15 phút để leo và thu hoạch nước hoa thốt nốt. Mỗi bông hoa thốt nốt cần ít nhất 4 ngày (3 ngày để kẹp hoa + 1 ngày để ngâm hoa trong nước lạnh) thì mới lấy nước được. Những người nông dân ấy ngày nào cũng thức dậy từ tờ mờ sáng để bắt đầu công việc, hông thì đeo dao và cây kẹp, tay thì xách hàng chục những chai đựng để thu hoạch nước hoa thốt nốt. Nhìn cảnh chú Hai Tuấn đã ở độ tuổi 58 phải leo cái độ cao hơn 15 mét (tính từ mặt đất tới đỉnh cây) mỗi ngày chỉ bằng những cây tre cột vào thân cây thốt nốt mà chúng tôi không khỏi khiếp sợ và xót xa. Đôi bàn tay, bàn chân của chú đã trở nên thô xạm, rắn rỏi nhưng cực kì linh hoạt và dẻo dai, thoắt một cái chú đã lên tới ngọn cây khiến chúng tôi vô cùng kinh ngạc.

Dưới cái nắng gay gắt của mặt trời, những con gió khô hốc hác thổi qua khiến chúng tôi ram cả da, ấy vậy mà chú có thể chịu đựng như vậy hơn 8 giờ đồng hồ mỗi ngày, thực sự chúng tôi vô cùng khâm phục. Từng chai nước rỗng được đem lên ngọn cây để đổi lấy những chai nước đầy đem xuống. Cứ vậy, chúng tôi gom tất cả lại trong một can lớn để mang về và chuẩn bị cho quá trình sản xuất đường.

Chú Hai Tuấn ở trên ngọn cây thốt nốt.

Hoa thốt nốt (cây đực)

Chú Hai Tuấn chia sẻ, đối với chú, chú dùng cây sến, một loại cây mà Việt Nam mình đã không còn, phải mua từ Campuchia về với giá 7000đ/kg, chặt ra và phơi khô để bỏ vào nước hoa thốt nốt, nó giúp cho nước có vị thơm mà không bị chua, còn những người khác họ dùng hoá chất hay gì thì chú không biết, có thể sẽ nhanh hơn, tiện hơn nhưng lương tâm chú không cho phép làm điều đó.

Chú Tuấn giải thích về cây Sến

Nước hoa thốt nốt sau khi đem về được lọc sạch cặn, đổ vào 1 nồi lớn, đun với lửa to, vớt bọt liên tục cho tới khi thứ nước ấy keo lại và có màu vàng sóng sánh như mật ong thì đó được gọi là đường non. Nếu tiếp tục đun lửa cho tới khi nó sền sệt một màu hổ phách thì món đường thốt nốt đã hoàn thành được 90% rồi đó. Nhờ một máy đánh tự chế, nước đường sẽ được đánh đều tới khi chuyển sang trạng thái cực sệt và mịn với một màu vàng nâu đặc trưng, toát lên 1 mùi thơm không thể lẫn với bất kì loại đường nào khác thì món đường thốt nốt trứ danh đã hoàn tất. Đường thốt nốt có vị ngọt rất thanh, tan ngay trong miệng, có thể dùng thay cho đường cát hay đường tinh luyện để nấu ăn, pha nước uống,… vừa đem lại mùi vị đặc trưng, vừa có lợi cho sức khoẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì cho người sử dụng. Tuy vậy, để có được 1 kg đường ấy phải mất khoảng hơn 6 lít nước hoa thốt nốt, và để có được 6 lít nước hoa thốt nốt, chắc chắn sẽ mất rất nhiều mồ hôi, công sức và nước mắt của người nông dân, thật sự rất đáng quý.

Thành quả sau một ngày làm việc – những hũ đường thốt nốt hoàn thiện.

Một ngày trải qua với team FOODMAP tại nơi đây quả thực mang đến rất nhiều kiến thức bổ ích, những trải nghiệm thú vị cũng như những xúc cảm không thể nào quên. Khi được cầm hũ đường do chính mình góp công làm ra trên tay, cảm xúc lúc đó như vỡ oà, những nụ cười xuất hiện rạng rỡ trên khuôn mặt của mỗi người dường như đã xoá tan đi mọi vất vả, cực nhọc của một ngày dài từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tụi con thật sự rất biết ơn gia đình chú vì đã nồng hậu đón tiếp tụi con, dành cả 1 ngày trời để chia sẻ những điều thú vị xung quanh cây thốt nốt cũng như quá trình sản xuất ra món đường thốt nốt không hoá chất, không phụ gia, an toàn cho sức khoẻ và đặc biệt 100% từ nước cây thốt nốt của gia đình chú. Một lần nữa, tụi con xin chân thành cảm ơn gia đình chú Hai Tuấn. Tụi con xin chúc gia đình chú một năm mới dồi dào sức khoẻ, an khang, thịnh vượng và vạn sự như ý, chúc cho sản phẩm đường thốt nốt của nhà mình buôn may bán đắt và được biết đến rộng rãi hơn nữa vì sức khoẻ và thói quen tiêu dùng tốt cho cộng đồng!

— Viết bài: Nhat Tran từ FoodMap Team —

Mời mọi người cùng xem thêm video clip về chuyến đi này của FoodMap Team nhé:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *