Trong mỗi dịp Tết đến xuân về, bên cạnh những món như bánh chưng, củ kiệu,… thì trên bàn ăn của người Việt không thể nào thiếu các loại mứt Tết ngọt ngào. Mứt Tết ngũ sắc không đơn thuần chỉ là một món ăn, nó còn mang một ý nghĩa rất riêng trong cái Tết cổ truyền của người Việt.
Trong cái thời tiết se lạnh bởi gió đông đọng lại vào những ngày đầu xuân, thưởng thức những miếng mứt ngọt ngọt, thơm thơm và sánh dẻo cũng với tách trà khiến những câu chuyện trên bàn ăn như được tiếp diễn mãi. Những món mứt Tết truyền thống còn là thức quà nhỏ thơm ngon mà đứa trẻ nào cũng khao khát, đón chờ mỗi dịp xuân về. Dù cho năm tháng trôi qua, món mứt tết như vẫn lưu lại bao chuyện xưa cũ, giữ những kí ức ấu thơ để rồi khi ăn ta như trở lại những hồi ức tốt đẹp ấy.
Một khay mứt Tết không chỉ lấy lòng khách đến nhà bằng hình thức bên ngoài mà còn bằng hương vị và ý nghĩa khác nhau của mỗi loại mứt. Chính vì vậy, việc lựa chọn đặt những món nào lên khay mứt cũng thể hiện độ tinh tế, tâm ý, mong muốn một năm mới viên mãn của gia chủ. Sau đây là những loại mứt góp phần tạo nên mẹt mứt ngũ sắc thơm ngon ngày Tết:
Mứt dừa “gia đình đoàn viên, sum vầy”
Mứt dừa là một món ngon được nhiều người lựa chọn vào mỗi dịp Tết đến vì giá thành phải chăng và mùi vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt. Những sợi dừa vị ngọt ngọt, bùi bùi, mùi thơm thanh tao, nhâm nhi cùng với một ly trà nóng và trò chuyện với những người thân yêu, bạn bè trong ngày đầu xuân họp mặt, mọi thứ hòa quyện vào nhau làm cho không khí trong gia đình trở nên ấm áp, đưa câu chuyện đi mãi không hồi kết. Nên không lạ khi đây là món thường thấy trong các giỏ quà tết trao nhau những ngày cuối năm.
Mứt gừng “mong muốn cuộc sống hạnh phúc, ấm no”
Mứt gừng được lựa chọn nhiều thứ 2 trong các giỏ quà tết tặng người thân bởi vị cay nồng ấm, hương vị thơm ngon riêng biệt của từng miếng gừng. Ý nghĩa của món mứt gừng trên mẹt mứt ngũ sắc cũng rất đặc biệt, đó là mong muốn một năm mới ấm no, viên mãn. Ngoài ra đây là loại mứt rất tốt cho sức khỏe vì khi ăn, mứt sẽ có tác dụng làm ấm cơ thể, giảm trướng bụng, kích thích hệ tiêu hóa và đường ruột.
Mứt hồng treo gió “mang lại sự may mắn và niềm vui”
Hồng giòn Đà Lạt thường đậu trái vào dịp cuối năm và thành phẩm hồng treo gió ngon sẽ được ra đời vào dịp cận Tết. Sau 3-4 tuần được hong khô bằng gió tự nhiên, từ những trái hồng giòn hơi chan chát thành những miếng hồng treo có vỏ ngoài dai nhẹ, bên trong óng ánh mật vàng, ăn vào sẽ cảm nhận được sự mềm ướt, thơm ngọt hơn cả quả tươi. Sau một thời gian thì hồng sẽ được áo bên ngoài bằng 1 lớp đường lên men tự nhiên, giúp cho hồng có vị ngọt diệu hơn, ăn rất cuốn miệng.
Màu cam hoàng kim của hồng được rất nhiều gia đình ưa chuộng trong ngày Tết. Màu cam sẫm mang lại nhiều tài lộc, phú quý và may mắn trong năm mới. Hong treo gio làm tăng hương vị cho khay mứt ngày Tết, khiến mẹt mứt ngũ sắc trở nên hài hòa hơn.
Mứt sen “năm mới con cháu đầy nhà”
Ăn vào có vị bùi bùi, thanh mát nơi đầu lưỡi. Ngoài việc mang hương vị độc đáo thì đây còn là món ăn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Mứt hạt sen giúp ngăn ngừa lão hóa, chữa các bệnh kén ăn, thiếu máu và hạn chế tình trạng mất ngủ. Ý nghĩa đặc biệt mà loại mứt này mang lại đó chính là mong cầu con cháu đầy nhà, năm mới sum họp.
Mứt đậu phộng “thể hiện sự trường thọ”
Vị ngọt của lớp đường bọc bên ngoài kết hợp sự bùi vùi của vỏ đậu phộng khiến hương vị món này trở nên thú vị hơn. Đậu phộng còn là biểu tượng của sự trường thọ, ăn nhiều đậu phộng còn giúp ta bồi bổ được sức khỏe, cân bằng chế độ dinh dưỡng tương đương với trái cây.
Bên trên là 5 loại mức để tạo ra mẹt mứt Tết ngũ sắc hấp dẫn. Mỗi loại mứt đều mang những ý nghĩa sâu sắc và đáng trân quý.
Tết này hãy đồng hành Foodmap chuẩn bị khay mứt tết ngon lành để thưởng thức cùng gia đình bạn nhé!