Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Những ứng dụng công nghệ hiện đại nhất trong nông nghiệp

Điện toán đám mây, máy bay không người lái hay đeo thẻ điện tử cho gia súc là những công nghệ hiện đại đang được nhiều nước ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao. 

Ứng dụng tưới tiêu trên Smartphone

Một trong những công việc quan trọng của người nông dân là đảm bảo lượng nước phù hợp cho cây trồng, đặc biệt trong điều kiện không có mưa. Loạt ứng dụng trên điện thoại di động tên là ‘tưới tiêu thông minh’ đã giúp họ giải quyết được vấn đề này.

Ứng dụng này sử dụng công nghệ định vị GPS, dự đoán lượng nước cây cần, phân tích dữ liệu trên cơ sở tính toán điều kiện thời tiết, lượng mưa của địa phương và lập trình để đưa ra công thức lượng nước phù hợp nhất theo từng thời điểm trong mỗi ngày cho cây trồng.

Điện toán đám mây

Công nghệ điện toán đám mây được ứng dụng và phát triển ở nhiều ngành, nhiều khu vực khác nhau, và cũng rất phổ biến trong nông nghiệp. Theo thống kê, hiện trên 30% nông trại khu vực Châu Âu và Châu Mỹ đã sử dụng công nghệ này, bao gồm những lưu trữ dữ liệu tồn kho, lịch trình sử dụng thiết bị, mô hình thời tiết và năng suất cây trồng…

Các thông tin được lưu giữ trên máy chủ và người sử dụng có thể đồng bộ hóa dữ liệu của họ trên các máy tính hay các loại máy móc khác nhau, tận dụng những phần mềm tùy chỉnh để có những nhận định chính xác về những gì đang diễn ra trong các nông trại của họ.

Máy bay không người lái

Máy bay không người lái trong Nông nghiệp CNC thường được thiết kế hình dạng như trực thăng hay đĩa bay loại nhỏ và có thể được kích hoạt tự động qua GPS.

Trên máy bay có gắn các cảm ứng và máy ảnh được đặt chế độ chụp tự động, ngẫu nhiên, cho phép quan sát, theo dõi các điều kiện của đất, nước, cây trồng ở góc độ mắt thường không nhìn thấy được và đưa ra những cảnh báo khi cần thiết.

Các loại cảm ứng, bao gồm cảm ứng đo nồng độ Nitơ

Nitơ là một thành phần quan trọng trong phân bón, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cây trồng. Khi hấp thụ Nitơ từ phân bón, cây trồng sẽ xử lý và chuyển khí Nitơ ra ngoài không khí.

Tuy nhiên lượng Nitơ trong phân bón không được cây hấp thụ hết sẽ không thể tự bay đi mà đọng trong nước ngầm, không chỉ gây ra hậu quả xấu như biến đổi khí hậu mà còn có nguy cơ làm chết cá và các động thực vật thủy sinh khác. Hơn thế quá nhiều Nitơ cũng khiến cây trồng yếu đi.

Vì thế người ta đã sáng chế ra nhiều loại cảm ứng Nitơ được gắn các cảm biến quang học đo sức khỏe của cây, giúp nhà nông sử dụng lượng phân bón phù hợp.

Bộ cảm biến sẽ bắn các tia hồng ngoại và ánh sáng đỏ ra cánh đồng và đo lượng ánh sáng cây trồng phản chiếu lại. Ánh sáng phản chiếu càng mạnh nghĩa là cây càng khỏe và ngược lại, ánh sáng yếu tức là cây cần thêm phân bón.

Ngoài ra là hàng loạt cảm ứng được sử dụng trong thời gian gầy đây giúp việc đánh giá, quản lý cây trồng và gia súc dễ dàng hơn rất nhiều, chẳng hạn cảm ứng đo độ ẩm, không khí, hướng gió, thành phần đất…

Thẻ điện tử

Ngày nay ở nhiều trang trại, người ta thường cấy lên người gia súc các thẻ điện tử để quản lý gia súc. Các thẻ này có chip nhận dạng tần số vô tuyến, kết nối với các ăng-ten đặt trên các khay thức ăn giúp người nông dân nắm được chi tiết mỗi gia súc đã ăn được bao nhiêu và ăn lúc nào.

Thông thường khi gia súc thay đổi chế độ ăn chính là dấu hiệu sức khỏe của chúng có gì đó không ổn. Tương tự như vậy, người ta lắp máy đếm bước vào mắt cá chân của bò để biết được chúng đã đi dạo hay đứng yên bao lâu, đây là dấu hiệu khá quan trọng cho thấy bò đang nóng và cũng có thể chỉ ra các vấn đề về sức khỏe của bò.

Việc nắm được tình trạng sức khỏe bò, đặc biệt phát hiện ra ngay khi bò bị những bệnh như lở mồm long móng, bò điên, bệnh lây nhiễm… có ý nghĩ rất lớn, giúp người nông dân có thể cách ly và xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng tới cả đàn gia súc.

Bột chịu hạn 

Loại bột này có cơ chế giống như tã (bỉm) của em bé, hiện được sử dụng khá rộng rãi ở những khu vực thường gặp hạn hán hay quá khô như Mexico, các nước Nam Mỹ, các nước vùng sa mạc.

Một cục bột có thể hấp thụ và giữ một lượng nước lớn gấp 500 lần thể tích của nó. Cụ thể, 10 g bột từ loại nhựa polymer có thể hút cạn 1 lít nước. Khi ngậm đủ nước, các hạt nhựa này chuyển thành dạng keo đục, giữ nước bên trong và nước không hề bị bốc hơi hay ngấm xuống đất mà chỉ giảm đi khi có rễ cây cắm vào tiêu thụ.

Sau khi hết hạn sử dụng, hạt tinh thể này tan ra và không hề ảnh hưởng xấu đến đất trồng. Sử dụng loại bột này cũng giúp tăng lượng cây trồng trên cùng một diện tích đất lên đến 300%.

Công nghệ nhà kính

Đây là một trong những loại công nghệ được áp dụng phổ biến nhất trong nông nghiệp, bạn có thể dễ dàng gặp nhà kính ở các nông tại từ châu Á đến Âu, Mỹ, Phi, Úc.

Nhà kính thường có các cạnh và mái được làm bằng nilon, nhựa hoặc kính, có khả năng tự nóng lên do bức xạ nhìn thấy được của mặt trời (tia cực tím, tia tử ngoại, tia UV) khi đi qua lớp kính trong suốt bị hấp thụ bởi thực vật, đất đai và những vật thể khác bên trong nhà kính, nhiệt từ những bề mặt nóng bên trong được giữ lại bởi tường kính và làm không khí bên trong ấm lên.

Hơn thế, cây cối và cấu trúc bên trong nhà kính sau khi được làm ấm lại bức xạ một lần nữa nhiệt năng của chúng trong dải quang phổ hồng ngoại, và tác động lên nhiệt độ, môi trường bên trong nhà kính.

Nuôi trồng trong nhà kính có thể cho năng suất cao gấp 50 lần so với nuôi trồng trong môi trường truyền thống ngoài trời.Dễ thấy nhà kính có rất nhiều ưu điểm, như tránh được điều kiện khí hậu bất lợi, đảm bảo luôn giữ được môi trường ổn định cho cây trồng vật nuôi, chống côn trùng, bệnh tật lây lan…

Đặc biệt chỉ cần kết hợp với một số ứng dụng công nghệ khác như công nghệ gene, nhân giống, quang học, cảm biến…

Công nghệ đèn LED

Bên cạnh nhà kính, đèn LED cũng là một trong những công nghệ được sử dụng ngày càng nhiều trong nền NNCNC.

Chúng ta đã biết, ánh sáng có nhiều tác động đến tốc độ sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi.

Do đó, người ta sử dụng công nghệ đèn LED để điều chỉnh ánh sáng phù hợp cho cây trồng, vật nuôi tùy theo thời điểm nhất định, nhằm kích thích tăng trưởng, tăng giá trị dinh dưỡng, giảm nồng độ Nitrat trong rau quả, hay để ươm giống cây, thu hút côn trùng gây hại mùa màng, chiếu sáng dẫn dụ trong đánh bắt hải sản, thay đổi nhịp sinh học nhằm kích thích sinh trưởng đối với vật nuôi…

Các ứng dụng công nghệ sinh học

Ngành nông nghiệp là một trong những ngành tận dụng được nhiều hiệu quả của công nghệ sinh học. Có thể nói Nông nghiệp CNC bao gồm một phần ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, với mục đích tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao hơn.

Chẳng hạn công nghệ vi nhân giống cho phép lựa chọn và thuần hóa thực vật, công nghệ chuyển gene thực vật để phát triển trong môi trường cụ thể với sự hiện diện hay không hiện diện của hóa chất, hay kỹ thuật chuyển gen kháng sâu bệnh vào thực vật, do đó không cần phải sử dụng quá nhiều chất bảo vệ thực vật …

Có hàng triệu ứng dụng công nghệ sinh học lên các đối tượng gia súc và cây trồng đã được sử dụng trong nền Nông nghiệp CNC hiện nay.

* Nguồn: Đ.K. Hà

 

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Thương hiệu tử tế

Tỏi Lý Sơn – “Vua” của các loài tỏi

Tỏi Lý Sơn – “Vua” của các loài tỏi

Nguồn: Internet

Nhiều người thường gọi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là “Vương quốc tỏi”. Ở “vương quốc” này, tỏi đã trở thành một thương hiệu lớn, nổi tiếng trên cả nước và được mệnh danh là “Vua của các loài tỏi”.

Cửa hàng tỏi tại đảo

Theo người dân địa phương, tỏi Lý Sơn có vị thơm đặc biệt, chất dinh dưỡng cao, có nhiều hoạt chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống ung thư, nâng cao sức khỏe. Hiện nay có nhiều loại tỏi trồng ở nơi khác được một số người mang đến Lý Sơn để bán với mục đích “ăn theo” tỏi Lý Sơn. Do đó, nhiều người khi đến đảo Lý Sơn đã mua nhầm tỏi thường vì không phân biệt được với tỏi Lý Sơn.

Du khách ghé mua tỏi Lý Sơn

Mới đây, trong dịp thăm quan Lý Sơn, chúng tôi được nghe những người gắn bó với nghề trồng và buôn bán tỏi lâu năm ở Lý Sơn chỉ cách phân biệt loại tỏi Lý Sơn này với các loại tỏi khác. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, một người đã gắn với nghề trồng tỏi hơn 50 năm qua ở Lý Sơn cho biết: “Nếu nhìn kỹ, chúng ta thấy củ tỏi Lý Sơn có kích thước từ 2cm đến 5cm, vỏ trơn, láng, vân nhỏ màu vàng nhạt ít nổi lên trên bề mặt. Trong khi các loại tỏi khác có kích thước to hơn, vân màu vàng đậm hơn. Bộ rễ tỏi Lý Sơn nhiều và chiếm diện tích hơn. Cùi rễ to, nhô ra bên ngoài, cọng rễ tỏi thật có màu đen hay vàng đậm, cọng to và dai”.

Tỏi Lý Sơn

Còn theo chị Nguyễn Thị Hóa, một người nhiều năm buôn bán tỏi cho khách du lịch tại huyện đảo Lý Sơn, ở đây có loại tỏi cô đơn, hay còn gọi là tỏi một tép. Loại tỏi này được hình thành từ sự đột biến gen trong quá trình sinh trưởng. Trên một sào trồng tỏi, chỉ thu hoạch được tối đa được vài ba ký tỏi cô đơn. Vì vậy, tỏi cô đơn thường có giá bán rất cao, khoảng 1,2 triệu đồng/kg.

Chị Hóa cho biết: “Tỏi cô đơn có vị thơm nồng, nhưng không gây hôi ở miệng sau khi ăn. Loại tỏi này màu trắng, nhỏ hơn đầu ngón tay út, hình bầu dục. Tỏi cô đơn cũng được xem là dược liệu quý, có thể chữa nhiều bệnh như: Cảm cúm, dạ dày, tim mạch, thận… Chính vì sự khác biệt này mà giá của loại tỏi này ở mức cao”.

Tỏi Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào ngày 10/12/2007. Hiện nay ở Lý Sơn có khoảng 300 ha đất được thường xuyên sử dụng để trồng tỏi, với sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn/năm.

Nguồn: Ngọc Lê

Để hiểu hơn về tỏi Lý Sơn, mời các bạn cùng FoodMap đến tham quan huyện đảo Lý Sơn nhé:

Bạn có thể tham khảo link mua hàng tại đây.
Chuyên mục
Bỏ phố về vườn CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN

“Thu phục” sâu rầy bằng “thần dược” từ củ, quả

Khi mới bắt đầu thử nghiệm dùng các loại củ, quả để tạo ra một loại thuốc để trị bệnh cho rau, nhiều người trong vùng cho rằng, ông Ngô Duy Hợp (tỉnh Bình Phước) bị “khùng” nặng. Họ nói: “Các loại củ, quả sao có thể thành thần dược trị bệnh sâu rầy cho rau được. Trong khi đó các loại thuốc hóa học được bày bán rất nhiều, ngồi đó cọc cạch thái thái, giã giã làm gì cho mất công…”.

Mặc cho mọi người nói gì, lão nông dân ấy vẫn cần mẫn, miệt mài, học hỏi để tìm ra một phương thuốc mới phòng trị bệnh cho rau. Và, lão đã chế thành công “thần dược” trị bệnh cho rau sạch từ các loại củ, quả. Lão nông ấy chính là Ngô Duy Hợp, 60 tuổi, ngụ khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Đầu tư tiền tỷ trồng rau sạch

Là cán bộ chuyên ngành rau công tác tại ngành Nông nghiệp huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước (nay đã nghỉ hưu), ông Ngô Duy Hợp có điều kiện tiếp xúc với nhiều người trồng rau trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Hợp vẫn không yên tâm với cách canh tác của người nông dân như hiện nay, vì phải sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học…

Dù đã nhiều lần chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn cho các hộ trồng rau nhưng nhiều hộ vẫn không thay đổi cách trồng. Do đó, ông Hợp đã “ấp ủ” cho riêng mình một vườn rau an toàn, với mong muốn người dân sẽ học hỏi theo cách làm của ông.

Trong một lần tình cờ đi tham quan mô hình trồng rau theo phương thức thủy canh trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ông Hợp đã bị cuốn hút với cách trồng rau an toàn trong nhà kính. Đầu năm 2014, ông Hợp quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng màng lưới nhà kính trên diện tích 2.000m2 để trồng rau theo phương pháp an toàn.

Ông Hợp cho biết, việc trồng rau trong nhà kính có thể hạn chế được sâu bệnh xâm nhập. Qua đó, tỉ lệ thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm hơn một nửa so với trồng rau ngoài trời, đồng thời có thể trồng rau được quanh năm không phụ thuộc vào thời tiết, đặc biệt giúp rau đạt năng suất cao, đảm bảo rau an toàn tuyệt đối.

Cùng với đó, hệ thống này có thể tự động điều chỉnh độ ẩm bên trong. Khi nhiệt độ lên cao thì hệ thống phun sương trong nhà kính sẽ tự động bật lên để làm mát. Lúc này hệ thống quạt đối lưu sẽ tự kích hoạt để làm giảm bớt độ ẩm.

Trường hợp thời tiết bất thường như trời quá nắng, hệ thống màng cản quang sẽ tự động kéo ra và khi có mưa, hệ thống cũng sẽ tự động di chuyển để kéo mái không cho mưa lọt vào bên trong nhà kính. Sử dụng hệ thống này có thể tiết kiệm được nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất.

Đến chế thuốc “thần dược” từ củ, quả

Không những đầu tư tiền tỷ xây dựng màng lưới nhà kính để trồng rau an toàn, ông Hợp còn khiến chúng tôi ngạc nhiên với cách phòng trừ sâu bệnh trên cây rau bằng các loại củ, quả như: hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam, rau đã hư, dưa hấu…

Nhờ sử dụng phương thuốc mới này, vườn rau của gia đình tôi vừa hạn chế sâu bệnh gây hại, vừa giảm giá thành chi phí sản xuất và nhân công lao động. Bình quân mỗi ngày tôi xuất bán ra thị trường hơn 20kg rau với giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg” – ông Hợp nói

Ông Hợp cho biết: “Hơn 2 năm về trước tôi được một người bạn giới thiệu về phương pháp sử dụng men sinh học E.M để ủ các loại củ, quả… thành thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cho rau. Sau 2 năm thử nghiệm trên cây cao su, điều, đến tháng 7/2014 tôi quyết định hướng tới trồng rau sạch theo phương pháp này”.

Ông Hợp giải thích, chế phẩm men sinh học E.M là phương pháp sản xuất theo công nghệ vi sinh lên men các vi sinh vật có ích (vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, xạ khuẩn và nấm men) sống cộng sinh trong cùng một môi trường có hiệu quả tác động như: bổ sung vi sinh vật cho đất; cải thiện môi trường, tiêu diệt tác nhân gây bệnh, sâu hại trong đất; tăng năng suất, chất lượng vườn rau, đặc biệt an toàn cho người lao động.

Để thực hiện phòng trừ sâu bệnh và tăng cường chất dinh dưỡng, từ khâu làm đất cần tăng tỷ lệ tỏi trong hỗn hợp lên men để tăng sức đề kháng cho rau sau này. Theo ông Hợp, tỏi vốn có chất đề kháng tự nhiên cao, do đó sử dụng tỏi giúp phòng ngừa sâu bệnh hại và tăng cường chất dinh dưỡng cho đất.

Cận cảnh thuốc “thần dược” phòng trị bệnh cho rau được ông Hợp chế biến từ các loại củ, quả đã lên men…

Khi rau đã lớn, ông Hợp sử dụng công thức 50cc hỗn hợp chế phẩm sinh học E.M đã được ủ lên men với các loại củ, quả hòa trong 20 lít nước để sử dụng cho 1 sào rau. Nếu thấy vườn rau bị sâu bệnh hại tấn công sẽ tăng số lượng các loại như hành, ớt, tỏi, sả, gừng… có tính khử trùng để diệt trừ sâu bệnh. Trung bình mỗi tuần, ông Hợp phun xịt cho vườn rau từ 1 đến 2 lần.

“Nhờ sử dụng phương pháp này, vườn rau của gia đình tôi vừa hạn chế sâu bệnh gây hại, vừa giảm giá thành chi phí sản xuất và nhân công lao động. Bình quân mỗi ngày tôi xuất bán ra thị trường hơn 20kg rau với giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg. Nếu ai quan tâm, tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật ủ lên men này” – ông Hợp nói.

Ông Ngô Duy Hợp cho biết, cách làm loại thuốc trừ sâu thủ công này làm rất đơn giản trước hết bà con mua chế phẩm men sinh học E.M (trên thị trường có bán). Trước hết, bà con đổ nước vào khoảng 1/2 thùng chứa có nắp đậy (tùy thuộc vào thể tích thùng chứa), sau đó bỏ các loại củ, quả như hành, tỏi, ớt, cam, quýt, dưa hấu… vào thùng rồi đổ chế phẩm lên men sinh học E.M vào (tùy liều lượng người sử dụng).

Tiếp đến, bà con dùng tay đảo đều các loại hỗn hợp này lại, sau khi trộn đều bà con đẩy nắp kín tránh không khí lọt vào. Sau đó bà con ủ với thời gian khoảng 3-5 ngày là đưa ra sử dụng được. Nếu vườn rau bị sâu bệnh gây hại tấn công bà con có thể bổ sung thêm các loại quả có tính khử trùng như hành, ớt, tỏi…vào rồi phun cho rau. Cách sử dụng, bà con dùng 50cc chế phẩm sinh học đã lên men (vớt bả) hòa với nước rồi phun trực tiếp trên phần rau bị sâu bệnh tấn công.

Theo ông Lê Hoàng Anh – Chủ tịch Hội nông dân phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài, loại thuốc trừ sâu được chế biến từ hành, tỏi, ớt… này không ảnh hưởng đến môi trường và không để lại dư lượng trên cây trồng. Thuốc tác động đến côn trùng gây hại bằng cách gây sự ngán ăn, xua đuổi, ngăn sự lột xác của côn trùng cũng như ngăn cản sự đẻ trứng và giảm khả năng sinh sản.

Theo nguồn: danviet.vn

Chuyên mục
Bỏ phố về vườn CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN

Nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản – Những Bước Đột Phá

Nhật Bản được xem như cái nôi của sự phát triển công nghệ thế giới. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao Nhật Bản chính là tấm gương sáng mà một đất nước đi lên từ cây lúa như Việt Nam cần noi theo. Chúng ta cùng xem những điều thú vị và những bước đột phá của nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản nhé.

Khởi nguồn của nền nông nghiệp công nghệ cao Nhật Bản

Tại Nhật, phần lớn đồng bằng nông nghiệp trước đây đã dần được đưa vào phát triển đô thị trong khi các sườn núi ở Nhật Bản lại quá dốc để tiến hành canh tác. Nông nghiệp tại đây dường như gặp khó khăn hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nhật cũng là nước phải hứng chịu nhiều trận bão dữ dội và tuyết rơi trong năm khiến cho hoạt động nông nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Mặc dù khó khăn bội phần, nhưng con người ở đây lại vô cùng tuyệt vời khi biết cách đưa công nghệ vào hoạt động trồng trọt. Nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản dần trở thành bản sắc khi nhắc đến đất nước này.  Từ những mô hình trồng rau nhà kính đến công nghệ chăn nuôi bò sữa khép kín, tất cả đều được ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại giảm tối đa sức lực cho người lao động. Chính nhờ thế mà dù có gặp khó khăn về địa hình và thời tiết thì nông nghiệp Nhật Bản cũng phát triển top đầu trên thế giới. Diện tích đất canh tác không lớn nhưng hiệu quả và năng suất thu về thì đáng kinh ngạc.

Đột phá nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản

Theo tin tức nông nghiệp thế giới, Nhật Bản phát triển nông nghiệp theo hướng khoa học công nghệ cao, bền vững có sản lượng và chất lượng đứng top đầu thế giới.

Ibaraki là một trong những tỉnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản. Đây là vùng có diện tích đất đồng bằng lớn nhất hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phát triển và sản xuất nông sản sạch. Theo thống kê mới nhất, chỉ riêng ngành nông nghiệp đã đóng góp tới 110tỷ USD/năm (hơn 50% GDP toàn vùng) mặc dù tổng dân số tỉnh Ibaraki chỉ khoảng 3 triệu người.

Sự hiệu quả của nông nghiệp công nghệ cao Nhật Bản được thể hiện ở chỗ chỉ 3% dân số tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng đủ cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 1278 triệu dân. Ngoài ra, hàng năm Nhật Bản vẫn xuất khẩu một lượng nông sản sạch cho các thị trường quốc tế.

Đến thăm những trung tâm nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản, đập vào mắt chúng ta là không gian sạch đẹp như một công viên. Ghé thăm bên trong là những nhà kính nuôi trồng thử nghiệp giống cây trồng mới: dưa hấu vuông, dâu tây mini, cà chua đa sắc màu… Các giống cây trồng mới được nghiên cứu và lai tạo dựa trên nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng giúp tăng nhiều lần giá trị của nông sản.

Việt Nam cần học hỏi gì từ nền nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản?

Trước tiên, cần khẳng định hướng đi của nông nghiệp Nhật Bản là đúng đắn, tối ưu công suất lao động và tăng năng suất, chất lượng thu hoạch. Như vậy, Việt Nam cần có cơ chế khoa học công nghệ hiện đại để có thể phát triển như Nhật Bản. Bên cạnh đó, chúng ta cần học hỏi và hợp tác để chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Nhật Bản.

Người dân Nhật Bản làm nông nghiệp không hề vất vả, họ giống như những ông chủ của một doanh nghiệp, mượn sức máy móc để nâng cao hiệu suất và giảm tải gánh nặng cho con người. Nếu Việt Nam muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì hướng đi nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bảnchính là hướng đi đúng đắn mà chúng ta cần noi theo.

* Nguồn: Theo tinnongnghiep.com

Chuyên mục
Bỏ phố về vườn CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN

Câu chuyện về bác nông dân người Hàn Quốc

NGƯỜI ĐÀN ÔNG DÀNH CẢ THANH XUÂN ĐỂ NGHIÊN CỨU THÀNH CÔNG CẢ NGHÌN MÉT VUÔNG RAU SẠCH THEO PHƯƠNG PHÁP HỮU CƠ

Tất cả các loại rau quả gì trong trang trại của người đàn ông này đều được trồng theo phương pháp hữu cơ. Điều thú vị mà ông mang đến cho mọi người chính là khu vườn chẳng cần đến thuốc trừ sâu hay phân hóa học vẫn bội thu mỗi mùa.

Khi quyết định trồng rau theo phương pháp hữu cơ, ông Youngsang Cho – người Hàn Quốc đã nghĩ rằng, điều mong muốn không chỉ là cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình và cộng đồng, mà chính là lan tỏa những việc làm tử tế, những điều ý nghĩa cho cuộc sống của mọi người xung quanh. Đến thời điểm hiện tại, trang trại của ông rộng khoảng 1,5 mẫu với hơn 60 giống rau củ quả tươi tốt, cho năng suất cao, ông cảm thấy hài lòng trước những nỗ lực không biết mệt mỏi suốt nhiều năm.

Ông cũng là tác giả của cuốn sách nông nghiệp hữu cơ JADAM, mang đến cho mọi người rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây mà ông đã tích lũy, học hỏi được. Trong cuốn sách ấy, ông Youngsang Cho đã chứng minh cho mọi người biết rằng, hầu hết tất cả các loại cây trồng đều phát triển tươi tốt và cho năng suất cao khi trồng thuần hữu cơ.

Cha của ông là Hankyu Cho cũng đã từng là thành viên trong phong trào nông dân tự nhiên Hàn Quốc vào năm 1967. Cha ông, ông và các con hiện nay đã tiếp nối những kinh nghiệm từ truyền thống, cách làm đất, bón phân, trị sâu bệnh hữu cơ, chọn giống hữu cơ để cho ra những sản phẩm rất tuyệt vời.

Ông Youngsang Cho cho biết, ông đã mất hơn 2 thập kỷ để vượt qua những khó khăn về làm nông nghiệp sạch, từ kiểm soát sâu bệnh, côn trùng đến cách lựa chọn phân bón phù hợp cho từng giống cây. Thời gian bắt đầu làm vườn, ông Youngsang Cho ưu tiên trồng ớt, các loại rau cải vì gia đình ông rất thích ăn kim chi. Ông đã nghiên cứu thành công veiẹc chọn giai đoạn để cắt tỉa cành, bón phân ra sao giúp cây tiêu thụ đủ chất dinh dưỡng. Điều quan trọng là luôn “đối đãi” tốt với đất, giúp nguồn đất không bị bạc màu.

Điều ông Youngsang Cho khiến mọi người khâm phục bởi ông không cần sử dụng đến phân bón hóa học, thuốc kích thích nhưng sản lượng thu hoạch được trung bình vẫn thường cao hơn các trang trại khác gấp 3 – 4 lần. Ông cũng từng chia sẻ, bí quyết không chỉ nhờ chọn giống, bón phân mà còn là những kinh nghiệm trong việc kiểm soát cỏ dại và nhiệt độ của đất.

Ông Youngsang Cho chia sẻ rằng, việc kiểm soát côn trùng, sâu bệnh luôn là vấn đề lớn trong nông trại hữu cơ. Thuốc trừ sâu không chỉ đắt mà còn không hiệu quả, khiến cây kháng bệnh nhanh, tình trạng sâu bệnh ngày càng tăng nhanh, đất trồng dễ cằn cỗi. Vì vậy, với kinh nghiệm là một người từng tốt nghiệp chuyên ngành hóa học, ông đã tự làm thuốc sâu tự nhiên. Ông cũng rất vui khi chia sẻ cách làm thuốc trừ sâu bệnh này đến tất cả mọi người.

Các con của ông đã bị thuyết phục với phương pháp trồng hữu cơ. Họ tự hào vì đang sở hữu cả trang trại trồng rau quả sạch. Hàng năm, ông chỉ tập trung trồng cây, trồng rau từ tháng 1 – 4. Thời gian còn lại trong năm, gia đình ông dành để đi du lịch cùng nhau, đồng thời chia sẻ những bài thuyết trình, bài giảng về cách trồng rau hữu cơ mà ông đã áp dụng thành công.

Bằng tất cả niềm đam mê và sức lực của mình, ông mong muốn lan tỏa việc trồng cây hữu cơ đến với thật nhiều người trên thế giới. Bởi một thực tế hiện nay, nông dân đang trở thành người tiêu dùng cho các máy móc nông nghiệp, vật liệu nông nghiệp và thuốc trừ sâu. Các “công nghệ” nông nghiệp chỉ mang lại lợi nhuận cho công ty nông nghiệp. Công nghệ càng tốn kém, các nông dân càng nhanh chóng từ bỏ nông trại, có thể là phá sản vì chi phí cho nông gnhiệp ngày càng tăng.

Vì vậy, ông Youngsang Cho mong muốn phát triển một ngành nông nghiệp thuần túy, không sử dụng các loại máy móc nông nghiệp, phát triển theo hướng truyền thống, sử dụng phân bón tự sản xuất, thuốc trừ sâu tự nhiên, đưa ra những giải pháp tốt cho đất, giúp con người có nguồn thực phẩm sạch và môi trường thêm bền vững.

Theo Jadam

Chuyên mục
Bỏ phố về vườn CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN

Trang trại nấm của cử nhân công nghệ

Bỏ công việc nhiều người mơ ước ở TP Hồ Chí Minh, chàng cử nhân Công nghệ – Viễn thông Nguyễn Quốc Uy về Gia Lai mở trang trại nấm.

Thành công đã đến với Uy nhờ lòng đam mê và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ…

Quyết định táo bạo

Sinh năm 1982, Nguyễn Quốc Uy tốt nghiệp khoa Công nghệ – Viễn thông (ĐH Tôn Đức Thắng). Ra trường, Uy ở lại TP Hồ Chí Minh làm việc thêm 5 năm- mà như Uy nói: “Đó là thời gian em kết nối giao lưu, học hỏi công nghệ và tìm kiếm trước đầu ra cho sản phẩm nấm sạch sau này”.

Ông chủ Nguyễn Quốc Uy

Nhà Uy ở Gia Lai. Bố mẹ Uy đã từng làm nấm từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, sau đó bỏ nghề vì tuổi cao sức yếu. Chính điều này đã thúc giục chàng kỹ sư đi đến quyết định táo bạo: Về Gia Lai, khôi phục và phát triển nghề làm nấm của gia đình.

Uy cho biết: “Quyết định về quê mở trang trại nấm, em có rất nhiều thuận lợi như: Bố mẹ đã từng có kinh nghiệm làm nấm trước đó để sẵn sàng truyền lại cho em. Bản thân em 5 năm ở TP Hồ Chí Minh cũng đã tìm hiểu, học hỏi được công nghệ làm nấm tiên tiến. Hơn nữa, hai người em ruột của em tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học nên cũng hỗ trợ em rất nhiều. Đất thì đã có sẵn từ vườn nhà…”. Vậy là, cái tên “Trang trại nấm Mang Yang” chính thức ra đời từ năm 2010.

Hiện trang trại nấm của Uy rộng 1.300 m2, chia làm 10 trại với các loại nấm như nấm linh chi, nấm mèo, nấm rơm, nấm dai, nấm bào ngư… Trong đó, nấm mèo nhiều nhất với sản lượng 8- 10 tấn khô mỗi vụ. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm cũng rất rộng như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đối với nấm mèo, nấm linh chi. Còn với những loại nấm tươi ăn ngay, tiêu thụ chủ yếu ở Gia Lai, Kon Tum, Bình Định…

Nấm mèo- sản phẩm chủ lực của trang trại nấm Mang Yang

Hỏi về doanh thu, Uy cho biết: Nấm mèo mang lại doanh thu lớn nhất bởi với giá thị trường khoảng 90.000 đồng/kg nấm khô, mỗi vụ 8 – 10 tấn khô thì thu về được gần 1 tỷ đồng, nấm linh chi thì khách hàng đặt mới cấy trồng. Nấm dai 35.000 đồng/kg thì tùy vụ làm nhiều hay ít…

Không chỉ trồng nấm, trang trại nấm Mang Yang còn làm bì phôi đối với loại nấm dai, bán cho nhiều hộ gia đình khác, hướng dẫn họ cách làm nấm sạch và hiệu quả. Đến mùa thu hoạch, trang trại thu mua toàn bộ sản phẩm với giá thị trường…

Với quy mô trang trại và doanh thu như trên, trang trại nấm Mang Yang của uy luôn có 8 – 10 lao động thường xuyên với mức lương đảm bảo đời sống cho người lao động.

Vậy là, với một quyết định táo bạo, với lòng nhiệt tâm và say mê học hỏi, với sự trợ giúp của gia đình, Uy đã thành công với ước mơ của mình.

Công nghệ và giấc mơ thương hiệu

“Khi vừa từ TP Hồ Chí Minh về, quyết định mở trang trại làm nấm, không ít người tỏ vẻ “tiếc” cho em – một kỹ sư đang có việc làm ổn định ở một thành phố lớn. Chỉ có gia đình là hiểu và luôn đồng hành, ủng hộ em trong công việc”- Uy tâm sự.

Ngay từ đầu, gia đình đã ủng hộ để đầu tư những thiết bị công nghệ được cho là tiên tiến ở thời điểm đó, ví như hệ thống tưới nước chẳng hạn: Cứ đến giờ nhất định trong ngày là hệ thống tự mở nước tưới, đủ thời gian ở trại này thì tự động ngắt và chuyển sang tưới trại khác, cho đến trại cuối cùng.

Theo Uy: “Tuy đầu tư ban đầu là lớn so với quy mô trang trại và hoàn cảnh của em, nhưng hệ thống tưới tự động này tiết kiệm được công lao động, tiết kiểm nước trong điều kiện khó khăn về nước tưới mùa khô, đảm bảo tưới đều và tưới đủ. Đặc biệt, người lao động không phải vào trại nấm, đảm bảo an toàn trong việc quản lý dịch bệnh…”.

Sản phẩm nấm linh chi đóng gói

Tất cả các công đoạn từ đầu đến lúc đóng gói sản phẩm, công đoạn nào sử dụng được máy móc, trang trại đều đã trang bị và sử dụng có hiệu quả. Chỉ những công đoạn mà máy móc không thể can thiệp, mới sử dụng cách làm truyền thống.

Nói về sản phẩm của mình, ông chủ trẻ của trang trại nấm Mang Yang khẳng định chắc nịch, rằng sản phẩm đảm bảo sạch, chí ít là đạt tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên chỉ là chưa được chứng nhận mà thôi.

Anh Nguyễn Văn Thanh– Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp tỉnh Gia Lai- cũng là khách hàng thường xuyên của trang trại nấm Mang Yang, nhận xét: Sản phẩm nấm của trang trại được sản xuất theo đúng các quy trình VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên để được người tiêu dùng công nhận, rất nên tiến hành làm thủ tục để sản phẩm được chính thức công nhận VietGAP. Khi đó, người tiêu dùng mới hoàn toàn yên tâm. “Tôi sẽ hướng dẫn trang trại các bước làm thủ tục để sản phẩm của trang trại được chứng nhận VietGAP”- anh Thanh nói.

* Nguồn: NNVN

Chuyên mục
Bỏ phố về vườn CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN

Kỹ sư về quê trồng dưa lê Hàn Quốc, bỏ túi hàng trăm triệu

Tốt nghiệp đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, rồi làm việc trong khu Nông nghiệp công nghệ cao với một mức thu nhập ổn định. Nhưng chàng kỹ sư trẻ Vũ Văn Khá (31 tuổi, trú tại khu phố 8, thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) quyết định bỏ việc về quê trồng dưa sạch và đem lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Cuối 2010, Vũ Văn Khá (sinh năm 1988, quê Nam Định) tốt nghiệp đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành nông học. Giống như bao bạn trẻ khác, chàng tân kỹ sư cũng làm hồ sơ đi xin việc khắp nơi, thực hiện ước mơ của bố mẹ, rằng mong con rời quê ra phố, có được công ăn việc làm ổn định. chẳng phải sớm tối vất vả với đồng ruộng.

Ngay sau đó, 3 tháng sau khi tốt nghiệp đại học, anh được nhận vào làm việc trong khu Nông nghiệp Công nghệ cao ở TP. Hồ Chí Minh.

Nhờ bỏ phố về quê trồng dưa mà chàng kĩ sư trẻ Vũ Văn Khá (31 tuổi, trú tại khu phố 8, thị trấn Qũy Nhất, huyện Nghĩa Hưng) bỏ túi hàng trăm triệu mỗi năm.

Cũng như bao miền quê khác của tỉnh Nam Định, Khá sinh ra ở vùng quê chiêm trũng quanh năm suốt tháng gắn bó với cây lúa, cây rau…nhưng vẫn nghèo. Thấm được nổi khổ của bố mẹ, Khá cố gắng đèn sách hy vọng được ra ngoài, tìm được một công việc “sạch sẽ và nhàn hạ” hơn. Sau nhiều cố gắng, rồi Khá cũng thi đâu vào đại học và tìm được một công việc nhàn hạ của một kỹ sư nông nghiệp.

Làm việc trong khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh một thời gian dài, Khá học hỏi và tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm. Với nỗi nhớ quê hương da diết nên sau khi nắm được kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong tay, anh ấp ủ dự định về quê lập nghiệp.

“Ở quê mình có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp, nếu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp được nên sau đó tôi quyết định xin nghỉ việc về quê lập nghiệp”. anh Khá nhớ lại.

Những ngày đầu, từ những kiến thức mà mình nắm được, Khá về quê xây dựng một nhà kính với quy mô 200m2 để trồng dưa, rồi chàng kỹ sư ngày nào lại lặn lội ra chợ, các cửa hàng để tìm đầu ra cho mình. Sau nhiều năm theo đuổi con đường mình chọn, đến nay chàng kỹ sư Vũ Văn Khá đang sở hữu một nhà kính trồng dưa với quy mô lớn, mỗi năm cho thu nhập đều đặn hàng trăm triệu đồng.

Cận cảnh khu trồng dưa rộng 1000m2 của gia đình anh Vũ Văn Khá, mỗi năm cho thu hơn 6 tấn dưa thương phẩm với giá trị kinh tế rất cao.

Dẫn phóng viên đi thăm quan mô hình trồng dưa trong nhà kính, anh Khá chia sẻ, hiện gia đình anh chủ yếu trồng giống dưa lê Hàn Quốc và được trồng trong nhà kính.

Hệ thống nhà kính trồng dưa có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.

Đối với hệ thống tưới, anh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0.

Chàng kĩ sư trẻ Vũ Văn Khá cho biết, hiện anh đang có gần 1.000 m2 nhà kính và đang trồng chủ yếu dưa lê Hàn Quốc. Trung bình mỗi năm cho thu nhập 3 vụ, mỗi vụ hơn 2 tấn dưa, với giá bán ổn định trên dưới 45.000 đồng/kg. Tính bình quân, mỗi năm gia đình anh Vũ Văn Khá bỏ túi hơn 200 triệu đồng.

Nhờ trồng dưa mà gia đình anh Khá có nguồn thu nhập lên đến 200 triệu đồng/năm.

Dưa lê Hàn Quốc là giống dưa có nhiều ưu điểm vượt trội như mẫu mã đẹp, hàm lượng dinh dưỡng cao, quả ngọt mát… Đây là giống dưa rất phù hợp với khí hậu của Việt Nam nên có thể trồng được quanh năm, 1 năm trồng được 3 vụ và mỗi vụ kéo dài hơn 3 tháng.

Nói về bí quyết trồng dưa lê Hàn Quốc sạch, anh Khá kiên quyết nói không với việc dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học. Hầu như vườn dưa nhà anh đều sử dụng phân hữu cơ.

“Trồng trong nhà kính thì hầu như cây dưa lê Hàn Quốc không có sâu bệnh nên không bao giờ cần đến thuốc trừ sâu, gia đình tôi chủ yếu sử dụng phân hữu cơ bón cho cây dưa nên quả dưa ngon ngọt hơn và khách hàng tin tưởng lựa chọn”, anh Khá chia sẻ.

*Nguồn: danviet.vn

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Tham quan vườn điều – Quả điều có ăn được không?

Ai cũng biết hạt điều rồi nhưng trái điều thì hầu như rất ít người biết, nhất là người ở thành thị. Trên đường đi thăm vườn sầu riêng nhà chú Năm Hưng lần 2 tại Đồng Phú, Bình Phước, anh em FoodMap như bị mùi thơm của vườn điều bên đường níu lại! Tắt máy xe, anh em tôi ghé vào vườn điều để chụp vài tấm hình, quay vài video, và… ăn vài trái điều!

Trái điều hoàn toàn ăn được nha mọi người, mùi rất thơm, mọng nước, vị ngọt và hơi chát nhẹ! Mời mọi người cùng xem video nhé!

Chuyên mục
Đặc sản ngon Hàng chất RÌ VIU

Nutrition Coach Thảo Nguyên – Review hồng treo gió Foodmap

Nutrition Coach Thảo Nguyên – Một trong những chuyên gia về dinh dưỡng đánh giá về sản phẩm Hồng Treo Gió Hoshigaki của Foodmap. Hãy cùng xem những đánh giá chân thật từ chị Thảo Nguyên cùng Foodmap nhé cả nhà

Xem video tại đây nhé!

Bạn nào muốn nếm thử hồng treo gió thì tìm hiểu Tại Đây nhé

Chuyên mục
Đặc sản Việt

Thanh trà – thứ quả đặc sản thơm ngon, tao nhã của người cố đô

Trái thanh trà nhỏ và không mọng nước như bưởi nhưng lại thơm ngon, ngọt thanh, đượm vị.

Cố đô Huế vốn nổi tiếng với nhiều đặc sản nức lòng du khách thập phương. Ngoài cơm hến, tôm chua, bún bò, mè xửng, bánh canh, bánh bột lọc… còn có một thứ quả được nâng lên tầm thương hiệu của vùng đất này, đó là trái thanh trà.

Thanh trà trồng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, điển hình như các vùng Thủy Biều (Thành phố Huế), Phong Thu (huyện Phong Điền), Hương Vân (thị xã Hương Trà), Dương Hòa (thị xã Hương Thủy). Trong đó, thanh trà Thủy Biều được đánh giá là thơm ngon hơn cả.

Những vườn thanh trà cứ độ tháng 7 âm lịch bắt đầu chín thơm. Ảnh: Internet

Thanh trà Thủy Biều là đặc sản nổi tiếng ở Huế đã hàng trăm năm nay. Thuở xưa loại quả này là đặc sản tiến vua. Theo các tư liệu lịch sử, dưới thời Nguyễn, hàng năm, trái thanh trà – một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên – đều được tuyển chọn kỹ càng để dâng tiến vào cung vua.

Ngày nay, quả thanh trà trở thành biểu tượng đặc trưng của cố đô Huế. Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch thì những vườn thanh trà của vùng cố đô lại bắt đầu chín mọng, tỏa hương thơm dịu. Mùa thu hoạch thanh trà kéo dài khoảng 2 tháng và chỉ có duy nhất một mùa trong năm.

Nhìn bên ngoài, trái thanh trà nhỏ hơn quả bưởi, hình thon giống quả lê, da màu vàng nắng chứ không xanh. Trọng lượng quả nhỏ, trung bình khoảng từ 0,7kg đến 1kg.

Bù lại, quả có cùi thơm, múi vàng trong; tuy không mọng nước như một số loại bưởi nhưng lại cho vị ngọt thanh, thơm dịu, mát họng, ăn một lần có thể nhớ mãi.

Quả bưởi thanh trà đã được bóc vỏ. Nguồn: Internet

Thanh trà không chỉ thơm ở những múi ruột của trái, mà thơm từ vỏ quả cho tới lá, hoa. Nhiều người nhận xét vị ngon đặc biệt của quả bắt nguồn từ sự đan xen giữa hạn hán, bão lũ và mưa dầm xứ Huế cộng với chất đất bãi bồi và nguồn nước sông Hương mát lành. Vì thế nên mới tổng hòa được vị quả ngon đặc trưng, khó lẫn.

Thanh trà ngon là những trái vỏ mỏng, láng bóng và mang màu nắng. Nhờ ít nước nên thanh trà Huế có thể để dành ăn vài ba tháng. Để càng lâu, quả càng ngọt, hương vị đậm đà gần như vẫn được giữ vẹn nguyên.

Ngoài ăn quả tươi, người xứ Huế còn dùng thanh trà làm các món gỏi, đặc biệt là gỏi mực khô, gỏi tôm… Riêng để làm món gỏi mực khô, người ta đem mực khô nướng xé tơi cho vào chảo, đảo qua lấy hơi nóng, tiếp đó cho thanh trà đã tách tép vào. Hỗn hợp trộn đều cùng với chút nước mắm chanh ớt tỏi là đã có một món ăn thanh nhã, đượm vị, đậm chất Huế.

Với giá trị và tiềm năng kinh tế cao, thanh trà Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa vào năm 2008. Đặc biệt, năm 2014, thanh trà Thủy Biều đã lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, là một trong 5 đặc sản Thừa Thiên – Huế xác lập kỷ lục châu Á.

Hiện thanh trà là một loại trái cây quý để làm quà tặng của người dân xứ Huế, là món hàng đặc sản để phục vụ khách du lịch, đồng thời cũng là món ăn biểu trưng đặc biệt của văn hoá ẩm thực cố đô.

Nguồn: Thế Đan – VnExpress