Có một liên minh vừa được lập, mục đích hỗ trợ để đưa các sản vật địa phương, đặc sản Tết 2021 đến gần hơn người dùng và đặc biệt là… ra thế giới. Họ đã và đang thúc đẩy thiết kế giỏ quà, các chương trình bán hàng, phương cách đưa hàng đến người dùng thế giới một cách nhanh nhất trong dịp Tết Tân Sửu này.
Liên kết thúc đẩy sản vật địa phương
Ngày 30/11/2020, một liên minh hỗ trợ phát triển sản vật địa phương với sự tham gia của Phiên chợ xanh tử tế, Công ty Tư vấn Mỹ thuật Trà Quế và nền tảng thương mại điện tử Foodmap.Asia chính thức “chào sân” dự án giỏ quà Tết 2021.
Đây là những sản vật bản địa, sản phẩm đoạt giải của cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp nông nghiệp trong hành trình đồng hành cùng người nông dân Việt – nông sản Việt. Trong đó, đậu phộng truyền thống Cần Thơ, tôm khô rừng Cà Mau, mứt sơ ri Tiền Giang, cà phê đặc sản Lâm Đồng, rượu vang Phan Rang, khô bò xông khói Đồng Tháp, khô gà lá trúc, mứt hoa bụp giấm… đã được “khoác chiếc áo mới” cho mùa Tết.
Đại diện liên minh này cho biết, ý tưởng thúc đẩy các sản vật làng nghề, tài nguyên bản địa của Việt Nam và sản phẩm của các dự án khởi nghiệp nông nghiệp là mục tiêu chung của cả ba tổ chức. Và trong vai trò của mình, mỗi đơn vị sẽ đảm nhiệm một trách nhiệm vụ cụ thể để đưa các đặc sản đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là trong mùa Tết năm nay.
Trong đó, Phiên chợ xanh tử tế thực hiện các phiên chợ mỗi tuần và chợ Tết cuối năm. Trà Quế thực hiện việc “khoác áo mới cho đặc sản vùng miền” thông qua làm lại bao bì, câu chuyện và đẩy mạnh marketing. Foodmap.asia đưa các đặc sản lên các kênh thương mại điện tử trong và ngoài nước như Tiki, Lazada, Amazon…
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến – Sáng lập viên Công ty Trà Quế, thành viên Hiệp hội Nghệ nhân và Thủ công Hoa Kỳ cho biết, một trong những giá trị quan trọng nhất để ba đơn vị cùng ngồi lại với nhau là tìm kiếm sự phát triển bền vững. Nhưng muốn bền vững thì phải liên kết, cùng đề cao tính bản địa, phát triển nền sản xuất địa phương để nâng cao chất lượng cuộc sống của nghệ nhân dân gian.
“Chúng tôi kỳ vọng liên minh sẽ không dừng lại ở ba thành viên khởi xướng mà sẽ mở rộng thêm những đơn vị khác tham gia vào chuỗi giá trị này”, bà Nguyễn Thị Xuân Yến kỳ vọng.
Đặc sản địa phương được khoác “áo Tết”
Đưa đặc sản Tết ra nước ngoài
Mùa Tết năm nay dự báo sẽ có khó khăn cho doanh nghiệp khi nguy cơ của Covid-19 vẫn chưa được giải quyết. Đó cũng là lý do thị trường Tết đang khởi động chậm so với những năm trước. Bà Nguyễn Thị Yến Xuân cho biết, năm ngoái, ngay từ tháng 6 công ty đã bắt đấu khởi động các nghiên cứu thị trường, xu hướng người dùng để thiết kế giỏ quà sát nhất với nhu cầu nhưng năm nay, phải đến tháng 10 mọi thứ mới được triển khai. Và mãi đến nay mới có thể ra mắt “giỏ quà Tết 2021” đến doanh nghiệp.
Nhưng năm nay, kế hoạch không đơn thuần là đưa các sản vật địa phương, các đặc sản làng nghề cho nhu cầu biếu tặng dịp Tết của người Việt, liên minh “Giò quà Tết 2021” còn muốn đưa sản phẩm đến với người Việt ở nước ngoài.
Theo bà Vũ Kim Anh – Chủ nhiệm Phiên chợ xanh tử tế, các sản phẩm làng nghề, qua sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới của các thanh niên nông thôn đã tạo ra hệ sinh thái đặc sản mới của Việt Nam. Nhưng làm sao gia tăng hàm lượng mỹ thuật và tiêu chuẩn thế giới, kết hợp công nghệ bán hàng trực tuyến thì mới đưa các sản phẩm này đi xa hơn. “Chúng tôi tin rằng liên minh này sẽ tạo một đột phá mới cho công tác phát triển tài nguyên bản địa”, bà Kim Anh nói.
Cũng tin tưởng vào “đường ra thế giới” của các đặc sản Việt, ông Phạm Ngọc Anh Tùng – Nhà sáng lập Foodmap.Asi cho rằng, bài toán liên minh, liên kết, tạo ra sức mạnh chung chính là công thức để “ra thế giới” của nông sản Việt Nam. Và việc chọn tên doanh nghiệp khởi nghiệp là Foodmap.Asia với một kỳ vọng đưa doanh nghiệp ra toàn cầu.
Các đặc sản địa phương đang có cơ hội ra thế giới trong mùa Tết này
Không chỉ bán hàng trực tiếp, liên minh này đang làm việc với các sàn thương mại điệtn tử lớn như Amazon, Lazada, Tiki… để các loại đặc sản Tết này “lên sàn ra thế giới”. Tuy nhiên, vì là năm đầu tiên thực hiện nên mọi thứ chỉ mới ở mức thăm dò. Bởi cái khó của những người làm nghề truyền thống, đặc sản địa phương là phải đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Báo Doanh Nhân Sài Gòn