Chuyên mục
Những sự thật thú vị

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm?

Ba năm trước, nước mắm truyền thống vướng phải vụ Asen Hữu Cơ – Vô Cơ. Chưa được đính chính lại đàng hoàng thì mới đây lại là giới hạn mập mờ về lượng Histamine được phép có trong nước mắm. Do đó, FoodMap tổng hợp bài này mong muốn đem đến cho mọi người cái nhìn khách quan và cụ thể hơn về vấn đề này.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

ASEN LÀ GÌ?

Asen tồn tại ở hai dạng là VÔ CƠ và HỮU CƠ.

Khi ở dạng vô cơ, hay còn gọi là thạch tín, Asen trở thành một chất cực độc đối với cơ thể. Các dạng này thường tồn tại trong đất và nước, nhiễm vào người thông qua thức ăn hoặc nước uống. Asen vô cơ có độc tính cao, làm tăng nguy cơ ung thư và có thể dẫn đến tử vong khi hấp thụ một liều lượng lớn hoặc tích lũy Asen nồng độ thấp trong thời gian dài. Hợp chất Asen vô cơ tồn tại trong nước ngầm có thể gây nhiễm độc.

Trong khi đó, Asen hữu cơ tồn tại trong các loại thực phẩm tự nhiên như gạo, rau quả, các loại hải sản, trong đó có CÁ BIỂN, nguyên liệu chính dùng để sản xuất nước mắm. Theo Cơ quan Y tế Virginia, Mỹ, Asen hữu cơ KHÔNG tích tụ trong cơ thể người, mà tự đào thải trong một hoặc hai ngày, do đó không gây độc hại gì tới cơ thể. Bởi vậy, nhà chức trách liên bang Mỹ không đặt ra bất cứ giới hạn nào cho hàm lượng Asen HỮU CƠ trong thực phẩm.

ASEN CÓ TRONG NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG. TỐT HAY HẠI?

Trong nước mắm có chứa Asen và lượng Asen này chủ yếu là Asen hữu cơ có nguồn gốc từ CÁ BIỂN – nguyên liệu chính dùng để sản xuất nước mắm. Nước mắm từ xa xưa vẫn được bà con sản xuất theo phương pháp ủ chượp nguyên liệu chính là cá và muối theo tỉ lệ (3:1) trong các thùng gỗ lớn hoặc hầm xi măng trong suốt thời gian từ 9 tháng đến 15 tháng để cho ra đời những giọt nước mắm tinh túy phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.

Chính vì trong cá vốn có chứa lượng Asen tự nhiên nhất định nên trong nước mắm bản chất có chứa Asen cũng là điều dễ hiểu. Vì lượng Asen này là Asen hữu cơ nên không những hoàn toàn KHÔNG gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn bổ sung vi chất có lợi theo nhu cầu cơ thể. Nếu dư thì cơ thể sẽ tự đào thải thông qua đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa, do đó không tích tụ trong cơ thể. Một thực tế là nước mắm có độ đạm càng cao (tức hàm lượng cá càng nguyên chất) thì hàm lượng Asen hữu cơ càng cao.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

Nước mắm công nghiệp cũng có chứa Asen hữu cơ vì về cơ bản nguồn nguyên liệu để sản xuất nước mắm công nghiệp là mắm cốt. Tuy nhiên mắm cốt chỉ chiếm một phần nhỏ trong quá trình sản xuất, do đó lượng Asen hữu cơ cũng như vi chất có lợi cho cơ thể ở đây THẤP hơn so với nước mắm truyền thống nhiều. Đó là chưa kể những chất phụ gia, chất bảo quản, hương liệu được thêm vào trong nước mắm công nghiệp, nên không thể đảm bảo công dụng tốt của lượng Asen hữu cơ ít ỏi có trong nước mắm công nghiệp.

HISTAMINE TRONG NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG THÌ SAO?

Tiêu chuẩn nước mắm của Codex có quy định: “Sản phẩm không được có hàm lượng histamine lớn hơn 400mg/lit”. Đây là một quy định gây ra khá nhiều bất công cho nước mắm truyền thống vì họ cơ bản chưa hiểu được bản chất của Histamine và quy trình làm ra nước mắm nguyên chất.

Nước mắm truyền thống được làm từ các loại cá thuộc họ thu – ngừ (cá trích, cá cơm), loại cá có nhiều thịt đỏ, chứa nhiều axit amin histidine. Ở điều kiện lên men cá trong thùng chượp, loại axit amin này sinh ra Histamine.

Nước mắm truyền thống có độ đạm cao (30-40 độ đạm), nên lượng Histamine luôn ở mức cao, từ 700 – 1200mg/lit là chuyện rất bình thường, nhưng chưa bao giờ có ghi nhận trường hợp ngộ độc Histamine do nước mắm. Chỉ tiêu thấp như tiêu chuẩn thì chỉ có nước mắm công nghiệp là đáp ứng được, vì là nước mắm pha loãng nên chỉ còn 10 độ đạm, rồi thêm các loại hương liệu, phụ gia mới có thể đạt Histamine thấp lý tưởng như vậy.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

Cơ thể người có thể dung nạp một lượng Histamine nào đó, nhưng nếu ăn nhiều quá, từ 1500 – 4000mg (chẳng hạn như ăn cá biển bảo quản không kỹ) thì mới bị ngộ độc Histamine.

Ngưỡng quy định Histamine trong cá biển từ 100 – 200mg/kg, một ngày ăn khoảng 200g cá, vậy mà có điều bất hợp lý là ủy ban Codex quốc tế lại quy định Histamine ở mức ở mức 400mg/lit, trong khi mỗi ngày chỉ ăn được khoảng 10-20ml nước mắm là nhiều, có ai có thể uống được cả lit nước mắm một ngày. Điều đó có nghĩa là hàm lượng Histamine hấp thụ vào cơ thể qua nước mắm rất ít, chỉ khoảng 8mg, không thể đủ gây nguy hiểm cho người dùng. Trước đây thợ lặn của ta trước khi lặn xuống biển còn uống một chén nhỏ nước mắm, chắc cũng khoảng tầm 50-100ml, mà cũng chưa bao giờ thấy ghi nhận trường hợp nào thợ lặn bị ngộ độc Histamine do uống nước mắm như vậy cả.

Như vậy, khó có thể xảy ra ngộ độc Histamine do nước mắm, mà có chăng là sử dụng nước mắm kết hợp với các loại cá biển đã bị ươn để chế biến thức ăn, hoặc là do người đó có cơ địa mẫn cảm. Vậy đưa ra giới hạn Histamine đó quả là có chút bất công đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Vậy, là người tiêu dùng, chúng ta nên hiểu rõ những chất có trong thực phẩm mình đang tiêu thụ và sáng suốt nhìn nhận những thông tin đa chiều để tránh bị hiểu sai, đánh đồng nước mắm công nghiệp với nước mắm truyền thống, để đưa ra lựa chọn thông minh nhất cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

———————–

Nguồn: Tham khảo từ chuyên gia Vũ Thế Thành và DNAFood

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *