Chuyên mục
CÂU CHUYỆN VÀ NHÂN VẬT

Phan Minh Tiến và giấc mơ đưa Mật dừa nước ông Sáu vươn xa

Nhắc đến Mật dừa nước ông Sáu – sản phẩm độc đáo nhất trong những sản phẩm OCOP (mỗi làng xã một sản phẩm) của huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, ít ai biết được người khiến những cuống dừa nước tưởng như không có giá trị tiết ra mật quý là một chàng kỹ sư ngành Hóa trẻ tuổi Phan Minh Tiến.

Trăn trở với “cây nhà lá vườn”

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cần Giờ, tuổi thơ của Phan Minh Tiến gắn bó với những rặng dừa nước. Bao đời nay, người dân vùng sông nước đã quen với việc dùng lá dừa nước để lợp nhà và thưởng thức món cơm dừa nước dẻo dẻo thơm béo như một món “ăn chơi” dân dã. Tuy nhiên, việc khai thác lá và cơm dừa hầu như chưa mang lại nhiều thu nhập cho người dân.

Phan Minh Tiến lớn lên với ước mơ vào giảng đường đại học để thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn.” Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với tấm bằng kỹ sư công nghệ hóa, Tiến đã đến Kiên Giang, Cà Mau và trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau ở các công ty, tập đoàn sản xuất lớn.

Tuy nhiên, trong thâm tâm, chàng trai trẻ vẫn luôn trăn trở để nâng cao giá trị kinh tế cho cây dừa nước – loài cây mọc tự nhiên phổ biến ở Cần Giờ và khu vực sông nước Nam Bộ. Chàng kỹ sư vừa đi làm vừa tranh thủ mọi thời gian rảnh để tìm kiếm tài liệu trong và ngoài nước về đặc tính sinh trưởng của cây dừa nước.

Chàng kỹ sư trẻ 'hoá phép' bắt cây dừa nước tiết ra mật

Phan Minh Tiến chia sẻ đọc nhiều tài liệu, anh nhận thấy dừa nước là thức quà mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân vùng sông nước. Đây là loài cây có lợi ích “đa năng,” gần như tất cả bộ phận đều có thể sử dụng nhưng ở Việt Nam, dừa nước mới chỉ được khai thác phần thô với giá trị kinh tế thấp. Nơi tạo ra phần mật “tinh túy” nhất là cuống của buồng dừa nước xưa nay bị bỏ quên vì được cho là không có giá trị.

Trong khi đó, từ lâu người dân Philippines, Malaysia đã sản xuất ra hàng loạt sản phẩm từ mật dừa nước như rượu, giấm, phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Không để lãng phí nguồn tài nguyên quý giá, năm 2017, chàng kỹ sư quyết định dừng công việc có mức thu nhập không hề nhỏ và khăn gói trở về quê hương Cần Giờ tìm cách lấy mật dừa nước. Quyết định này của Tiến được gia đình ủng hộ và giúp sức.

Dù đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu nhưng khi bắt tay vào thực tế, Tiến đã gặp khó khăn khi những cuống dừa sau khi chặt bị nắng, gió làm cho se lại và không tiết ra mật như “trong tài liệu.” Không từ bỏ, Tiến tiếp tục tìm hiểu thêm và phát hiện ra để kích thích cuống dừa tiết ra mật phải biết cách chăm sóc “massage” khơi thông mạch dẫn.

Chang ky su 'di that xa de tro ve' voi giac mo mat dua nuoc hinh anh 1
Phan Minh Tiến giới thiệu cách khai thác mật dừa nước. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Phan Minh Tiến bật mí, để dừa nước tiết được nhiều mật nhất, mình phải chọn những buồng dừa không quá non cũng không quá già, dùng cây gõ đều lên cuống nhằm kích thích dòng mật đang nuôi dưỡng buồng trái. Sau khi chặt lấy trái, dùng túi ni lông cột vào cuống dừa để hứng mật tiết ra.

Một cuống dừa mỗi ngày sẽ tiết ra hơn 1 lít mật dừa nước tươi và có thể tiết mật liên tục trong khoảng 30 ngày. Mật dừa nước tươi có vị ngọt mát pha với vị mặn đặc trưng của vùng ven biển, có thể sử dụng ngay như một thức uống bổ sung năng lượng, muối khoáng rất tốt cho sức khỏe.

Nắm được “bí quyết,” Phan Minh Tiến đã cùng 7 hộ nông dân có tổng diện tích 3ha dừa nước chính thức bắt đầu hành trình khai thác mật dừa nước; mỗi ngày cho thu hoạch gần 1.000 lít mật dừa nước tươi. Tuy nhiên, mật dừa nước rất dễ lên men. Do đó, sau khi thu hoạch xong, mật dừa tươi được đưa vào hệ thống lọc thanh trùng, đóng chai thủy tinh và bảo quản lạnh. Việc này có thể giúp kéo dài thời gian sử dụng lên đến 10 ngày.

Khát vọng vươn xa

Chưa hài lòng với sản phẩm mật dừa nước tươi thanh trùng, chàng kỹ sư hóa bắt tay vào nghiên cứu dây chuyền cô đặc mật dừa nước để chế biến mật dừa nước tươi thành các sản phẩm có giá trị cao hơn và bảo quản được lâu hơn.

Phan Minh Tiến đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA), với sản phẩm đầu tiên là mật dừa nước cô đặc thương hiệu “Dừa nước ông Sáu.”

Cứ 8 lít mật dừa tươi sẽ cho ra 1 lít mật dừa nước cô đặc, sản phẩm này có thể dùng như chất làm ngọt tự nhiên thay thế cho đường và mật ong, phù hợp cho cả người có chế độ ăn kiêng đường. Đặc biệt, mật dừa nước cô đặc có thể bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 1 năm.

Đây là điều kiện quan trọng để mật dừa nước có thể đi xa hơn, đến với người tiêu dùng mọi miền đất nước, thậm chí có thể xuất khẩu.

Không dừng lại, Phan Minh Tiến cùng các cộng sự tại VIETNIPA tiếp tục phát triển sản phẩm mới là đường dừa nước. Vẫn giữ nguyên những giá trị quý của mật dừa nước, đường dừa nước có chỉ số đường huyết thấp, giàu muối khoáng, ứng dụng đa dạng cho chế biến các món ăn và đồ uống.

Phan Minh Tiến cho biết trung bình 1ha dừa nước được khai thác mật và chế biến, mỗi năm có thể tạo ra 20 tấn đường dừa nước, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ riêng huyện Cần Giờ đã có 900ha rừng dừa nước tự nhiên. Ước tính cả khu vực Tây Nam bộ có trên 9.000 ha. Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ và được tái tạo tự nhiên.

Phan Minh Tiến và giấc mơ đưa Mật dừa nước ông Sáu vươn xa

 

Chàng trai trẻ không ôm mộng làm giàu cho riêng mình mà luôn mong muốn giúp người dân cải thiện thu nhập từ chính mô hình khai thác mật dừa nước để họ yên tâm bám đất, bám làng, duy trì và bảo tồn hệ sinh thái của quê hương.

Anh Trần Hiếu Nhân, nông dân tham gia liên kết và cũng là nhân viên Công ty VIETNIPA chia sẻ: Trước đây, giá trị kinh tế của cây dừa nước rất thấp vì phụ thuộc vào thương lái mua lá và bán trái cho các điểm bán nước giải khát.

Những ngày đầu, khi nghe anh Tiến giới thiệu về việc khai thác mật dừa nước, mọi người khá bỡ ngỡ và chưa tin lắm. Khi được hướng dẫn cách khai thác và thu hoạch sản phẩm thực tế, ai cũng hào hứng.

Chang ky su 'di that xa de tro ve' voi giac mo mat dua nuoc hinh anh 2
Mỗi cuống dừa nước một ngày tiết ra hơn 1 lít mật dừa nước tươi. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Anh Nhân cho biết, là người nắm giữ “bí quyết” khai thác mật dừa nước nhưng anh Tiến không thuê rừng làm riêng mà đề nghị liên kết với các hộ nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu. Từ đó, các hộ trở thành nhân viên thu hoạch mật dừa nước, được trả lương cố định hàng tháng và đảm bảo có việc làm thường xuyên.

Ngoài ra, mỗi năm các hộ liên kết còn được chia lại một phần lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm mật dừa nước. Nhờ đó, thu nhập hiện tại của các hộ đã đạt hơn 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp 10 lần so với trước đây chỉ khai thác lá và bán quầy trái.

Những nỗ lực đi tiên phong trong việc khai phá giá trị tiềm năng cây dừa nước của Phan Minh Tiến đã được công nhận bằng các giải thưởng, chứng nhận uy tín như: Giải Nhì cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Sáng tạo Thanh niên nông thôn năm 2019 do Trung ương Đoàn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức; chứng nhận Sản phẩm Công Nghiệp Nông thôn tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019; chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao-chuẩn hội nhập. Năm 2021, “Mật dừa nước ông Sáu” được xếp hạng là sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Cần Giờ.

Phan Minh Tiến cho biết thời gian tới, với sứ mệnh “vươn xa dừa nước Việt Nam,” VIETNIPA sẽ tiếp tục mở rộng liên kết khai thác, chế biến nhằm tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân; đồng thời đẩy mạnh truyền thông về giá trị của cây dừa nước nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ các nguồn lợi, hệ sinh thái tự nhiên.

Với tình yêu và tâm huyết dành cho cây dừa nước, Phan Minh Tiến và các cộng sự tại VIETNIPA sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa đặc sản mật dừa nước đến với mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Nguồn bài viết: Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *